Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Quyết định 3615/QĐ-BNN-HTQT theo đó đặt mục tiêu đến năm 2010 đạt 15 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng...
Hạt tiêu, mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Quyết định 3615/QĐ-BNN-HTQT theo đó đặt mục tiêu đến năm 2010 đạt 15 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.
Đồng thời ngành cũng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp từ 4-4,5%/năm, GDP nông nghiệp tăng từ 3,3-3,5%/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế nông thôn 7,5-8%/năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với vị thế là một trong những nước xuất khẩu nhiều loại nông sản giá trị cao, bước sang giai đoạn hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế, đây chính là thời cơ vàng đối với nền nông nghiệp Việt Nam trong những năm đầu gia nhập WTO. Bằng cách tận dụng tối đa các cơ hội và giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh và bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của ngành nông nghiệp và đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa nông thôn.
Trong đó quan trọng là phải thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất sản phẩm an toàn và đáp ứng nhu cầu thị trường. Triển khai xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn áp dụng IPM và GAP (cơ chế thực hành sản xuất tốt) đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện quy trình kiểm soát chất lượng, vệ sinh hàng nông, thủy sản theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ ban hành các cơ chế chính sách nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư và hình thức đầu tư trong nước và nước ngoài; xây dựng Chương trình thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển và trực tiếp (ODA, FDI) để phục vụ xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật nông nghiệp, nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái mang đặc tính riêng của Việt Nam, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng hàm lượng công nghệ trong sản xuất, chế biến, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo thống kê, tổng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm qua đạt khoảng 113.000 tỷ đồng, song con số này mới chỉ đáp ứng được 17% nhu cầu, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư cả nước. Thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2007, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 2,46% trong tổng vốn FDI của cả nước.
Theo VnEconomy