09:12, 10/12/2007

Nông dân thiệt đơn thiệt kép

Gần một tháng nay, người dân nhiều xã của huyện Cam Lâm, Khánh Hòa tập trung thu hoạch củ sắn nước, loại cây trồng quan trọng đối với vùng đất này. Tuy nhiên, do mưa lũ kéo dài...

Thu hoạch sắn ở xã Cam Hải Tây.

Gần một tháng nay, người dân nhiều xã của huyện Cam Lâm, Khánh Hòa tập trung thu hoạch củ sắn nước, loại cây trồng quan trọng đối với vùng đất này. Tuy nhiên, do mưa lũ kéo dài cộng với rớt giá, nên năm nay nhiều hộ bị lỗ nặng, người nông dân đang đứng trước nỗi thiệt đơn thiệt kép.

° THIỆT ĐƠN THIỆT KÉP

Về Cam Lâm những ngày này, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí khẩn trương của mùa thu hoạch sắn. Trên các nẻo đường thôn, những cộ bò lọc cọc chở sắn giao tại các điểm tập kết. Nhiều hộ trồng sắn ở đây cho biết, năm nay do mưa kéo dài, sắn bị nê nước, thối củ, năng suất giảm một nửa. Chị Trần Thị Nhi (thôn Bãi Giếng 2, Cam Hải Tây) tỏ vẻ lo lắng: “Tôi trồng 13.000m2 sắn, đầu tư mỗi sào (1.000m2) 2,5 triệu đồng nhưng do mưa nhiều quá nên củ bị hỏng, chỉ vớt vát chừng 1/3”. Quan sát trên ruộng sắn thấy nhiều củ rất to nhưng bị nứt đôi, có củ bị sạm, thâm đen vì ngâm nước lâu ngày. “Những nơi thấp coi như mất trắng”, chị Nhi cho biết thêm.

Vụ sắn năm nay, nông dân Cam Lâm không chỉ chịu cảnh mất mùa, giảm sản lượng mà còn “gánh” thêm nỗi lo rớt giá. Giá sắn tại ruộng chỉ từ 1.100 - 1.200đ/kg, thấp hơn năm ngoái từ 800 - 1.000đ/kg. Giá sắn năm nay thấp do không có thị trường xuất khẩu, chỉ tiêu thụ nội địa. Năm ngoái, có Công ty đứng ra thu mua đưa hàng đi nước ngoài nên giá tăng lên 2.000đ/kg, nông dân có lãi. Năm nay, vừa mất mùa vừa giá thấp nên nông dân thiệt đơn thiệt kép.

° BAO GIỜ HẾT LO?

Huyện Cam Lâm và thị xã Cam Ranh là những vùng chuyên canh cây sắn nước, diện tích lên đến hàng trăm ha, tập trung ở nhiều nơi, nhất là các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Tây, Suối Tân (Cam Lâm), các xã phía Tây, khu vực cây số 3, số 6 Ba Ngòi (thị xã Cam Ranh). Năng suất bình quân 40 - 50 tấn/ha. Nếu được mùa, sản lượng sắn toàn vùng có thể lên tới hàng ngàn tấn. Đây là cây trồng đem lại nguồn lợi khá lớn cho nông dân, nhất là vào dịp Tết. Mùa sắn, hàng được đóng gói từ đây đi khắp nơi, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Sắn được ăn tươi hay chế biến thành các món ăn nhanh như: đồ xào, đồ kho, có khi sấy làm các món ăn chay, có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ngon miệng nên tiêu thụ khá dễ dàng. Có năm các tỉnh phía Nam mất mùa, sắn hút hàng đến mức không có để bán, giá cao. Giống sắn đang trồng ở Cam Lâm có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam, gọi là giống Châu Đốc hay giống Miên.

Vụ sắn không mỹ mãn đã đẩy nhiều nông dân lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau, có người phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, nguy cơ không trả được nợ. Ông Nguyễn Dương, Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây, cho biết: “Sắn mất mùa ảnh hưởng đến đời sống nông dân, nhất là các hộ vay vốn ngân hàng. Chúng tôi có kế hoạch đề nghị ngân hàng giãn nợ để nông dân có điều kiện trả nợ”. Đây là biện pháp tình thế. Tuy nhiên, về lâu dài, các ngành chức năng ở huyện Cam Lâm và thị xã Cam Ranh cần nghiên cứu, quy hoạch lại vùng chuyên canh sắn nước, khuyến cáo nông dân không canh tác vùng trũng thấp, để tránh nguy cơ mất trắng do nước lũ. Bên cạnh đó, bài toán cung cầu vẫn chưa có lời giải nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản.

QUANG VIÊN