09:12, 10/12/2007

5 khuyến cáo của IMF về kinh tế Việt Nam

Vấn đề đầu tiên được IMF đề cập là Việt Nam cần thắt chặt chính sách và điều kiện về tiền tệ. Trong 9 tháng đầu năm, lượng tiền trong lưu thông tăng cao...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Tổng Giám đốc IMF Takatoshi Kato. Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra 5 khuyến cáo đối với kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vào phát triển bền vững dựa trên việc kiểm soát tốt thị trường tiền tệ.

Vấn đề đầu tiên được IMF đề cập là Việt Nam cần thắt chặt chính sách và điều kiện về tiền tệ. Trong 9 tháng đầu năm, lượng tiền trong lưu thông tăng cao, do đó, theo cơ quan này, Việt Nam cần quản lý chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng cổ phần cũng như ngân hàng thương mại.

IMF khuyến khích Chính phủ Việt Nam tăng cường giám sát tăng trưởng tín dụng, thắt chặt các điều kiện về tiền tệ và giám sát ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng cổ phần. IMF cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường sự linh hoạt trong điều hành tiền tệ và cần làm rõ quan điểm về điều hành thị trường này.

Vấn đề thứ hai được IMF đề cập là tăng sự linh hoạt của tỷ giá. Theo đó, trong bối cảnh nguồn vốn đổ vào Việt Nam càng lớn, cần có can thiệp về tỷ giá hối đoái kịp thời và không đặt ra áp lực điều hành tiền tệ.

Một vấn đề khác Quỹ Tiền tệ quốc tế nhắc đến là việc thực hiện chính sách tài khoá thận trọng. Việt Nam hiện có nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, song theo IMF, theo đuổi chính sách tài khoá mở rộng có thể làm lạm phát trầm trọng hơn, cũng như làm suy yếu khả năng tăng trưởng bền vững. IMF cũng khuyến khích Chính phủ thận trọng giám sát các nguồn vay từ bên ngoài, đặc biệt không nên tài trợ cho các dự án của doanh nghiệp nhà nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ.

Điểm thứ tư là đẩy nhanh cải cách ngân hàng. IMF cho biết đánh giá cao lộ trình toàn diện cải cách lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam, đặc biệt việc cổ phần hoá các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước. Cơ quan này nhấn mạnh việc chuyển đổi Ngân hàng Nhà nước thành ngân hàng trung ương hiện đại có khả năng thực hiện chính sách tiền tệ và giám sát các ngân hàng và tổ chức tài chính trong bối cảnh thị trường ngày càng phát triển.

Cơ quan này cũng đề xuất việc mở rộng vai trò của khu vực tư nhân, và coi đây là động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm ở Việt Nam. IMF cũng cho rằng toàn bộ doanh nghiệp nhà nước nên hoàn thành cổ phần hoá vào năm 2010.

Theo VnEconomy