Những năm qua, việc Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) sử dụng hạt nix (còn gọi là xỉ đồng) để làm sạch vỏ tàu đã phát tán bụi vào khu dân cư...
Những năm qua, việc Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) sử dụng hạt nix (còn gọi là xỉ đồng) để làm sạch vỏ tàu đã phát tán bụi vào khu dân cư, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Sau khi có kết luận của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về vấn đề hạt nix, HVS đã nỗ lực triển khai các phương án xử lý hạt nix nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường.
° Tồn đọng Nix thải
Hạt nix thải được HVS bảo quản chặt chẽ tại kho chứa số 1. |
Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, hạt nix qua sử dụng tại nhà máy nhiều lên nhưng chưa có giải pháp tối ưu nào giải quyết.
Khối lượng nix thải chính là băn khoăn thường trực của HVS. Nhiều năm liền, câu hỏi “nix thải có độc hại không?” chưa được trả lời thỏa đáng. Vì thế, việc xử lý hạt nix thải gặp không ít khó khăn. Nhiều lần, HVS xin xử lý hạt nix thải như các nước có ngành công nghiệp đóng tàu quy mô lớn đã làm nhưng chưa được các cơ quan chức năng đồng ý. Trong khi đó, lượng nix thải vẫn ngày càng tăng lên. Tính đến nay, Công ty đã tồn đọng khoảng 700.000 tấn hạt nix thải.
° Nix không phải là chất thải nguy hại
2 năm trước, Viện Nghiên cứu mỏ - luyện kim (Bộ Công nghiệp trước đây) đã nghiên cứu và kết luận: Hạt nix thải ở HVS không phải là chất thải nguy hại. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng và HVS có đánh giá chuẩn xác hơn về hạt nix thải để tìm giải pháp xử lý thích hợp. Tuy vậy, trong thời gian chờ xử lý, Công ty không thể dừng các hợp đồng đã ký kết. Do vậy, lượng nix thải và quá trình sử dụng hạt nix để làm sạch vỏ tàu phát tán bụi bẩn vào khu dân cư là điều khó tránh khỏi.
Đầu năm 2007, Bộ TN-MT thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra, giám định các thông số môi trường trong mẫu hạt nix và môi trường xung quanh HVS. Tại Thông báo 19/TB-BTNMT ngày 9-2-2007, kết luận: “Hạt nix thải đã qua sử dụng có chứa các thành phần nguy hại như: asenic, cadimi, crom, thủy ngân, chì… nhưng chưa vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6706 - 2000 và không phải là chất thải nguy hại theo Quyết định 23/2006/QĐ-BTNMT về ban hành danh mục chất thải nguy hại”. Đây chính là cơ sở pháp lý để HVS xây dựng các phương án xử lý nix thải. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép HVS xử lý dứt điểm hạt nix thải đến hết ngày 31-12-2007, Bộ TN-MT cùng các bộ, ngành liên quan đã làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa và HVS, bàn biện pháp xử lý ô nhiễm từ hạt nix…
° Đối mặt với khó khăn
Máy làm sạch vỏ tàu bằng nước được HVS trang bị để hạn chế sử dụng hạt nix. |
Thực hiện không sử dụng hạt nix để sửa chữa tàu, HVS đã hủy 11 hợp đồng sửa chữa tàu có liên quan đến sơn vỏ tàu, với tổng giá trị hợp đồng đến 34 triệu USD. Điều này cũng khiến phần lớn người lao động (NLĐ) tại bộ phận sơn và giàn giáo đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Để đảm bảo cho Công ty vẫn phát triển và từng bước giải quyết việc làm cho công nhân (CN) tại các bộ phận trên, từ tháng 8-2007, HVS thực hiện phương án nghỉ chờ việc đối với lượng lớn CN, với mức trợ cấp nghỉ chờ việc 27.000 đồng/người/ngày. NLĐ được luân phiên nghỉ và nghỉ không quá 15 ngày/người/tháng. Đơn vị cũng hỗ trợ thêm tối đa 5 ngày mua bảo hiểm xã hội (trong tổng số tiền NLĐ phải đóng) nếu NLĐ nghỉ chờ việc trên 5 ngày/tháng. Công ty “lên dây cót” tinh thần cho NLĐ hiểu tình hình thực tế để cùng chia sẻ. Tính từ tháng 8-2007 đến nay, ở thời điểm cao nhất, số CN “dôi dư” thực hiện luân phiên nghỉ chờ việc lên đến 45% trong tổng số hơn 3.700 LĐ của Công ty. Hiện nay, số CN nghỉ chiếm khoảng 15 - 18%.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Bởi với HVS, kể từ khi đi vào hoạt động, ngoài đảm bảo lợi nhuận, đơn vị còn mong muốn giải quyết việc làm cho nhiều LĐ trong khu vực và thực hiện công tác từ thiện xã hội trên địa bàn tỉnh. Với giải pháp này, không chỉ thu nhập bình quân của NLĐ giảm đi (hiện còn 1,7 triệu đồng/người/tháng, trước đây 2 triệu đồng/người/tháng) mà giá trị sản xuất kinh doanh của HVS cũng giảm rõ rệt (trong 10 tháng giảm 3%).
° Nỗ lực giải quyết
Công nhân bộ phận sơn và giàn giáo được học nghề để chuyển sang làm việc tại phòng vỏ. |
Theo ông Nguyễn Thái Vũ - Trưởng bộ phận Phòng Tổng vụ HVS: Nghỉ chờ việc chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Công ty nỗ lực đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế sửa chữa, chuyển sang hoán cải, đóng mới; đồng thời, sử dụng các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế việc sản xuất sử dụng hạt nix và xử lý lượng nix thải tồn đọng… Sau khi có Quyết định 23/2006/QĐ-BTNMT ban hành danh mục chất thải nguy hại, HVS thực hiện phương án tái sử dụng hạt nix thải vào một số ngành công nghiệp khác. Từ tháng 11-2006 đến nay, HVS chú trọng quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nix theo quy định; đầu tư xây mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải (sinh hoạt và công nghiệp)… Vừa qua, HVS ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Savaco dùng hạt nix làm gạch và bê tông (công suất 12.000 tấn nix/năm) và Công ty Cổ phần Khoáng sản - Luyện kim Hà Nội tái chế hạt nix thải (khoảng 100.000 tấn/năm), phối hợp với Công ty Cổ phần Thép Vân Thái (thuộc Vinashin) xây dựng nhà máy sản xuất cọc bê tông (tổng vốn đầu tư hơn 98,6 tỷ đồng) với công suất hoạt động năm đầu tiên sử dụng 40.000 tấn nix, những năm sau 100.000 tấn nix/năm …
Bên cạnh đó, Công ty cũng xây dựng giải pháp xử lý hạt nix cho khu vực dân cư bị ảnh hưởng và chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện hơn với môi trường (giảm thiểu việc sử dụng hạt nix). Theo đó, kho chứa hạt nix số 2 được xây dựng để giảm tình trạng phát tán bụi nix. HVS phối hợp với Vinashin thỏa thuận với UBND tỉnh di dời dân ở khu vực thôn Ninh Yểng và Mỹ Giang đến nơi mới và đầu tư xây dựng tại vị trí này Cụm công nghiệp Vinashin, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Nam vịnh Vân Phong.
Đến thời điểm hiện nay, HVS đã thực hiện việc đưa công nghệ sản xuất mới vào hoạt động và xử lý nix thải, đa dạng hóa hoạt động sản xuất: tổng doanh thu sửa chữa giảm xuống còn 30%; gia tăng tìm kiếm đối tác thực hiện hợp đồng hoán cải; thi công block tàu; chế tạo nắp hầm hàng…; đầu tư hơn 40 triệu USD trang bị 4 máy bắn nước áp lực cao (dùng sửa chữa ngoài trời), 1 máy bắn bi sắt (thi công các block tàu) để hướng đến đóng mới tàu biển vào cuối năm 2008. Việc đào tạo lại 462 CN bộ phận sơn và giàn giáo để chuyển sang công tác tại phòng vỏ cũng sẽ hoàn thành trong khoảng từ nay đến tháng 5-2008. Nhằm đáp ứng yêu cầu hoán cải và đóng mới tàu biển, HVS đưa khoảng 100 CN có tay nghề sang đào tạo tại Hàn Quốc. Nhiều CN làm ở hai bộ phận trên, như anh Bùi Công Dương (làm ở bộ phận giàn giáo từ năm 1999 đến nay) đều phấn khởi khi biết sẽ được chuyển sang làm ở vị trí an toàn, ít vất vả hơn, lại tiếp cận được công nghệ thân thiện với môi trường. Tiến độ thi công Nhà máy Chế biến vật liệu xây dựng từ hạt nix cũng đang được đẩy nhanh. Xử lý lượng nix thải tồn đọng song hành hoạt động đóng mới tàu biển từ năm 2008 sẽ tạo điều kiện để thương hiệu HVS bền vững hơn.
ĐẠI HẢI - NAM PHONG
|