Trên địa bàn miền núi, xa xôi cách trở như xã Xuân Sơn (Vạn Ninh, Khánh Hòa), mấy ai nghĩ rằng: có một ngày, công nghiệp nông thôn (CNNT) sẽ phát triển. Vậy mà giờ đây, CNNT trên địa bàn...
Công nghiệp sản xuất đá đang góp phần giúp người dân Xuân Sơn chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế gia đình. |
Trên địa bàn miền núi, xa xôi cách trở như xã Xuân Sơn (Vạn Ninh, Khánh Hòa), mấy ai nghĩ rằng: có một ngày, công nghiệp nông thôn (CNNT) sẽ phát triển. Vậy mà giờ đây, CNNT trên địa bàn đã được chú trọng để phát triển. Người dân địa phương từng bước chuyển đổi ngành nghề, có việc làm ổn định.
° KHÔNG CÒN XÃ THUẦN NÔNG
Trước đây, Xuân Sơn là xã thuần nông. Người dân sinh sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và khai thác rừng. Để từng bước chuyển đổi ngành nghề cho người dân (đặc biệt là những người chuyên đi khai thác gỗ trái phép), năm 1997, xã đã đề xuất với cấp trên tạo điều kiện cho Công ty TNHH Sao Biển vào khai thác mỏ đá grannite trên địa bàn. Ngoài sản xuất đá phục vụ xây dựng, Công ty còn khai thác, chế biến sản phẩm đá mỹ nghệ. Theo thời gian, doanh nghiệp (DN) sản xuất ổn định và phát triển đã tạo niềm tin cho nhiều người dân tham gia học nghề, trở thành những người thợ thực thụ trên chính quê hương mình.
Tiềm năng về khoáng sản trên địa bàn xã Xuân Sơn khá dồi dào, Vì vậy đến nay, xã đã có thêm 2 đơn vị mới vào đầu tư khai thác (Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Mai và Công ty Khai thác các công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa). Chỉ tính riêng 2 DN có sản xuất đá mỹ nghệ (Công ty TNHH Sao Biển, Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Mai) đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 300 lao động nam/năm với mức lương ổn định từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập khá tại địa phương mà nếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, người dân không thể có được. Những người dân đã vào làm nghề đá đều rất an tâm với công việc của mình.
3 năm gần đây, khi sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre lá xuất khẩu đắt hàng, Hội Phụ nữ xã đã từng bước chuyển giao ngành nghề đan lát, tạo điều kiện cho lao động nữ tại địa phương có việc làm lúc nông nhàn. Vì vậy, nghề đan mây tre lá ở Xuân Sơn đã dần dần phát triển ổn định. Hàng năm, nghề này giải quyết việc làm cho 80 - 100 lao động nữ với mức thu nhập bình quân 500 ngàn đồng/người/tháng. Theo nhiều người dân: Trong gia đình chỉ cần có một người làm nghề đá, một người làm ruộng và tranh thủ đan lát lúc nông nhàn sẽ ổn định cuộc sống. Những năm gần đây, CNNT đã giúp Xuân Sơn giảm hộ nghèo nhanh chóng (theo chuẩn mới: năm 2006 xã có 19,5% hộ nghèo, năm 2007 chỉ còn 14,1%).
° TIỀM NĂNG CÔNG NGHIỆP
Phát triển nông nghiệp ở Xuân Sơn rất bấp bênh; bởi lẽ còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khả năng khống chế dịch bệnh. Vì vậy, người dân đang dần chuyển đổi ngành nghề, phát triển CNNT để cải thiện kinh tế gia đình. Xét ở một khía cạnh nào đó, người dân địa phương có “duyên” với công nghiệp. Được biết: Xuân Sơn có gần 2.300 lao động. Ngoài những người sản xuất nông nghiệp, CNNT thì có khoảng 30% lao động trong xã đi làm ăn xa (chủ yếu ở Khu Công nghiệp Bình Dương). Nhiều người nói đùa: địa phương “thiếu đất dụng võ”. Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn: Số lao động đi làm ăn xa đều là thanh niên chưa lập gia đình. Đội ngũ lao động này sẽ góp phần làm tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương một khi nơi đây phát triển CNNT. Vì vậy, Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã định hướng đầu tư phát triển các ngành nghề CNNT trên địa bàn. Ngoài phát triển nghề đan mây tre lá, địa phương sẽ đẩy mạnh làng nghề sản xuất đá mỹ nghệ xuất khẩu. Hàng năm, CNNT sẽ giải quyết việc làm cho 300 - 500 lao động. Để làm được điều này, địa phương đang vận động người lao động vào làm tại các DN khai thác đá. Phấn đấu đến năm 2010, lực lượng lao động của xã chiếm phần lớn trong các DN (hiện nay vẫn còn nhiều thợ từ nơi khác đến), góp phần giảm số hộ nghèo xuống dưới 5% vào năm 2010…
Tiềm năng của xã Xuân Sơn đang trong giai đoạn khởi động. Những năm qua, Xuân Sơn luôn tạo điều kiện mời gọi các DN đầu tư phát triển CNNT. Được biết cách đây không lâu, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh đã tổ chức lớp truyền nghề đan mây tre lá cho người dân nhằm phát huy lợi thế nguồn nhân lực tại chỗ. Trong khi đó, địa phương cũng vừa mới phát hiện thêm mỏ đá grannite màu đỏ và vàng với trữ lượng lớn mà nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh không có. Hiện nay, một số DN đang làm thủ tục xin khai thác. Nếu các mỏ đá sớm đi vào hoạt động, cơ hội để giải quyết việc làm cho lao động mà Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến.
HOÀNG TRIỀU