Đoàn doanh nghiệp (DN) VN đông đảo nhất từ trước tới nay sẽ ký kết hàng chục hợp đồng và dự án làm ăn lớn, với tổng trị giá lên tới nhiều tỉ USD”...
Tổng thống Mỹ G.Bush tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: NLĐ |
Đoàn doanh nghiệp (DN) VN đông đảo nhất từ trước tới nay sẽ ký kết hàng chục hợp đồng và dự án làm ăn lớn, với tổng trị giá lên tới nhiều tỉ USD”, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói với phóng viên Người Lao động ngày 17-6, một ngày trước khi đoàn DN VN tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Mỹ.
“Đại gia” làm ăn với “đại gia”
Từng nhiều lần cùng phái đoàn DN VN tháp tùng các nhà lãnh đạo VN thăm viếng nước ngoài, nhưng chưa bao giờ ông Vũ Tiến Lộc lại thấy một số lượng đông đảo DN tới vậy. Buộc phải “gạt” ở lại không ít song số lượng DN cũng lên tới hơn 150. “Đó thực sự là những DN loại lớn, tiêu biểu nhất trong các lĩnh vực hoạt động hiện nay”, ông Lộc nói.
“Hàng chục hợp đồng, dự án làm ăn lớn tổng trị giá lên tới nhiều tỉ USD, trong đó có thể có dự án vượt 1 tỉ USD được các “đại gia” hai bên ký ngay trong chuyến thăm”, Chủ tịch VCCI “bật mí”. Đáng chú ý có Tập đoàn Ganon muốn đầu tư xây dựng nhà máy điện chạy bằng khí công suất 750 MW, cùng hệ thống đường dây truyền tải điện ở Đồng Nai để cung cấp điện cho các khu công nghiệp ở tỉnh này, cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. SSA Marine, công ty đầu tư xây dựng cảng container Cái Mép ở Bà Rịa-Vũng Tàu, mong muốn đầu tư xây dựng tiếp cảng container rất lớn ở Cái Lân. Nhà sản xuất điện năng lớn nhất của Mỹ AES muốn đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Mông Dương. Tập đoàn lớn thứ tư của Mỹ Chevron muốn đầu tư khai thác khí ở vùng biển Tây Nam để cung cấp khí cho nhà máy khí điện đạm Ô Môn-Cần Thơ. Vietnam Airlines ký với Boeing hợp đồng mua máy bay thương mại hiện đại. Tập đoàn Motorola mong muốn đầu tư mở rộng mạng điện thoại của VinaPhone và MobiFone. Ngoài ra, nhiều “đại gia” Mỹ thuộc các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, dịch vụ, ngân hàng như Microsoft, Wachovia, Citibank, Standard Chatered Bank... cũng sẽ thương thảo và ký kết các dự án làm ăn với các tập đoàn, DN hàng đầu của VN.
Tại 3 chặng dừng chân trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ở New York, Washington DC và Los Angeles, quan chức và giới doanh thương hàng đầu của hai nước cũng sẽ ngồi lại với nhau trong các diễn đàn kinh doanh để trao đổi và xúc tiến những đầu tư, thương mại. Những diễn đàn có số lượng DN tham gia lên tới hàng trăm này sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng, điện, viễn thông, dịch vụ...
Mỹ dẫn đầu làn sóng đầu tư mới
Người ta đang nói tới một làn sóng đầu tư mới vào VN, một làn sóng khác với làn sóng đầu tư trước tập trung vào việc tận dụng nguồn nhân lực rẻ của VN. Làn sóng đầu tư mới sẽ nhằm chủ yếu vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, điện, công nghệ cao, viễn thông, dịch vụ mà đây lại chính là “sở trường”, thế mạnh của DN Mỹ. Ông Vũ Tiến Lộc tin rằng với các dự án lớn được ký trong chuyến thăm, Mỹ sẽ là một trong những nước dẫn đầu làn sóng đầu tư mới vào VN. “Mỹ hiện chỉ đứng hàng thứ 8 trong đầu tư nước ngoài vào VN với 2,3 tỉ USD hay 4,3 tỉ USD nếu tính cả đầu tư qua bên thứ ba nhưng tôi tin không lâu nữa họ sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở VN”, ông Lộc nói.
Một điểm rất đáng chú ý trong chuyến thăm là các DN Mỹ và VN sẽ có những cuộc thương lượng, thỏa thuận để mua cổ phần của nhau, nhất là việc các DN Mỹ mua cổ phần của các DN VN. Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong quá trình tái cấu trúc DN và thực hiện cổ phần hóa đang được thúc đẩy nhanh hiện nay, DN VN rất cần các đối tác chiến lược. Với thực lực hùng hậu về vốn liếng, công nghệ và quản trị, các DN Mỹ có rất nhiều tiềm năng trở thành các đối tác chiến lược của DN VN trong quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa, hiện đại hóa và mở rộng thị trường ra thế giới.
Theo NLĐ