Hoạt động khảo sát du lịch sinh thái thử nghiệm do MCD phối hợp với các công ty du lịch lữ hành vừa tổ chức thực hiện tại Rạn Trào...
Ảnh minh họa. |
Hoạt động khảo sát du lịch sinh thái thử nghiệm do MCD phối hợp với các công ty du lịch lữ hành vừa tổ chức thực hiện tại Rạn Trào là một phần của mục tiêu bảo vệ hệ đa dạng sinh học trong khu bảo tồn.
Sau khi hỗ trợ cộng đồng thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh - tỉnh Khánh Hòa xây dựng thành công khu bảo tồn biển Rạn Trào, Trung tâm bảo tồn biển và phát triển cộng đồng Việt Nam (gọi tắt là MCD) lại tiếp tục hướng cho người dân nơi đây chuyển đổi sinh kế nhằm bảo vệ hệ đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển.
Vùng biển Rạn Trào có 0,4 km2 thuộc địa phận thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Dưới đáy biển Rạn Trào có rạn san hô, cỏ biển. Khi phong trào nuôi thuỷ sản bùng nổ, người dân đã đưa tôm hùm vào nuôi tại Rạn Trào. Năm 2001, Dự án MCD vận động người dân đưa Rạn Trào vào bảo vệ dưới dạng khu bảo tồn. Năm 2002, khu bảo tồn biển Rạn Trào do dân quản lý chính thức ra đời và đi vào hoạt động. Trên cơ sở đó, nguồn lợi và rạn san hô được cộng đồng bảo vệ. Tuy nhiên, trước thực trạng nuôi tôm trong khu bảo tồn diễn ra quá mức đã khiến môi trường nước của khu bảo tồn bị vượt ngưỡng sức tải sinh thái. Để rạn san hô không bị ảnh hưởng bởi các tác động của hoạt động nuôi thủy sản, Dự án MCD tư vấn người dân chuyển đổi sinh kế từ nuôi trồng thuỷ sản sang du lịch sinh thái, một nghề vừa nâng cao đời sống lại bảo vệ được môi trường.
Như vậy, du lịch sinh thái là nghề mà Dự án MCD đang định hướng cho người dân sống trên khu bảo tồn biển Rạn Trào triển khai vào thời gian tới. So với khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang thì Rạn Trào đi trước nhưng so với tiêu chí bảo vệ môi trường của một khu bảo tồn thì Rạn Trào cần phải có thêm rất nhiều sự nỗ lực của cộng đồng. Điều đó đang trông chờ vào nhận thức của mỗi người dân, bắt đầu từ chuyển đổi sinh kế mới gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Theo VOV