Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Takatoshi Kato cho biết, tuy hội nhập nền kinh tế toàn cầu muộn hơn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, nhưng những tiến bộ bất ngờ Việt Nam...
Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm đạt 40 tỷ USD và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt trên 10 tỷ USD. |
Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Takatoshi Kato cho biết, tuy hội nhập nền kinh tế toàn cầu muộn hơn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, nhưng những tiến bộ bất ngờ Việt Nam đã đạt được cho tới nay khiến ông lạc quan về tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với các phóng viên tại buổi họp báo ngày 24-5 tại Hà Nội, ông Kato nói, “Việt Nam có nền tảng vững chắc cho phát triển và những dự đoán tăng trưởng đạt trên dưới 8% trong những năm tiếp theo là có cơ sở".
Đồng thời, ông cũng khẳng định vay nợ nước ngoài của Việt Nam ở thời điểm hiện tại chưa vượt quá mức cho phép, vì hơn bao giờ hết, chính phủ Việt Nam đang mở cửa nền kinh tế, quyết tâm đẩy mạnh cải cách sâu rộng và chống tham nhũng. Tất cả những nhân tố trên đã tạo điều kiện cho trao đổi thương mại với nước ngoài và thu hút luồng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đóng góp nhiều hơn nữa cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo số liệu mà IMF có được, tổng sản phẩm quốc dân của Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục từ 45 tỷ USD năm 2004 lên hơn 60 tỷ USD năm 2006. Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm đạt 40 tỷ USD và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt trên 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, Trưởng nhóm làm việc về Việt Nam của IMF, ông Lazaros Molho cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, này sinh từ chính nền kinh tế thành công, tăng trưởng nhanh trong nhiều năm của mình và đặc biệt là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đó là đòi hỏi tăng cường sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, kiềm chế lạm phát, thâm hụt ngân sách, duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, với vai trò tăng cường của chính sách tài chính hiệu quả.
Phó Tổng Giám đốc IMF thì cho rằng để củng cố các thành quả phát triển kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện luật đầu tư, luật doanh nghiệp, cũng như tất cả các qui định liên quan nhằm củng cố quản trị nhà nước.
Ông cho biết IMF sẽ tiếp tục cùng với các nhà tài trợ phát triển hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề như tăng cường năng lực, tư vấn xây dựng chính sách, đào tạo, và hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý tài chính, trong đó có quản trị về thuế, thu thập dữ liệu lạm phát.
Trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày từ ngày 23-5, Phó Tổng Giám đốc điều hành của IMF đã gặp gỡ với các quan chức chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển cũng như đại diện từ khu vực tư nhân để tìm hiểu thêm về nền kinh tế Việt Nam và chia sẻ quan điểm của mình về những diễn biến của khu vực châu Á.
Theo TTXVN