Trong quí 1-2007, hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm đã gửi hồ sơ lên Bộ Tài chính đề nghị được tăng vốn như Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare, Bảo Long, Viễn Đông, BIC và ngay cả...
Đang có trên 700 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, hơn 100 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để khách hàng Việt Nam lựa chọn. |
Trong quí 1-2007, hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm đã gửi hồ sơ lên Bộ Tài chính đề nghị được tăng vốn như Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare, Bảo Long, Viễn Đông, BIC và ngay cả các doanh nghiệp vừa mới được cấp phép hoạt động cũng đề nghị tăng vốn như Toàn Cầu, Bảo Nông, Bảo Tín...
Vì sao vậy? Nghị định số 45 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46 quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm (ban hành cùng ngày 27-3-2007) đã quy định mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỉ đồng (mức cũ là 70 tỉ đồng); doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là 600 tỉ đồng (mức cũ là 140 tỉ đồng) và 4 tỉ đồng với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Doanh nghiệp nếu chưa đủ số vốn pháp định trên phải bổ sung đầy đủ trong thời hạn ba năm. Vì thế, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, do cũng đã biết trước về quy định này, đã chuẩn bị phương án tăng vốn trước khi nghị định có hiệu lực.
Tuy nhiên, nghị định không phải là lý do chính. Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Phùng Đắc Lộc, cho rằng tuy đây là quy định cần thiết phải có, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đang gấp rút chuẩn bị tinh thần cho một môi trường cạnh tranh gay gắt nhưng thực chất hơn.
Doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị mức vốn được tăng cao nhất là Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC). Ngân hàng mẹ BIDV đã rót vào BIC thêm 300 tỉ đồng để đưa vốn điều lệ của doanh nghiệp này lên 500 tỉ đồng vào tháng 6-2007.
Theo nhận định của Giám đốc BIC, ông Phạm Quang Tùng, tuy gọi là cao, nhưng hiện mức vốn pháp định theo Nghị định 46 còn rất nhỏ so với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và trong khu vực. Mức vốn mới là cần thiết để giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực và uy tín trước các công ty nước ngoài, giảm sức ép tái bảo hiểm, và các công ty có điều kiện mở thêm các lĩnh vực liên quan.
Với tốc độ phát triển của thị trường vốn như hiện nay thì việc các doanh nghiệp đạt được mức vốn pháp định mới không khó. Năng lực tài chính nâng cao không những tạo niềm tin cho khách hàng và đối tác mà còn là cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các hoạt động liên quan ngoài bảo hiểm và nắm bắt các cơ hội đến từ thị trường chứng khoán đang nóng.
Theo TBKTSG