08:06, 19/06/2007

Bài toán cho việc bảo tồn và phát triển vịnh NT?

Làm thế nào để vừa sử dụng các giá trị của vịnh Nha Trang một cách hợp lý, bền vững vừa bảo vệ vịnh Nha Trang luôn đẹp là chủ đề chính được đặt ra trong Hội thảo...

Một góc vịnh Nha Trang.

Làm thế nào để vừa sử dụng các giá trị của vịnh Nha Trang một cách hợp lý, bền vững vừa bảo vệ vịnh Nha Trang luôn đẹp là chủ đề chính được đặt ra trong Hội thảo Vì sự phát triển bền vững vịnh Nha Trang do UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức. Tầm quan trọng đặc biệt của vịnh Nha Trang đã thu hút sự quan tâm của khá đông các nhà khoa học trong, ngoài nước và giới báo chí. Trong đó có ông Pieter Van Beukering - chuyên gia về kinh tế san hô, Giám đốc Chương trình giảm nghèo và quản lý môi trường thuộc Viện Nghiên cứu môi trường Hà Lan; bà Angelique Batuna - Điều phối viên của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới tại Indonesia; ông Bernard O’ Callaghan - Điều phối viên chương trình của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam và 2 phóng viên Hà Lan.

° Vịnh Nha Trang - Tài sản vô giá

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010 đã xác định Nha Trang là trung tâm của tiểu vùng du lịch duyên hải Nam Trung bộ (từ tỉnh Bình Định đến Bình Thuận). Trong tương lai, Nha Trang hoàn toàn có thể trở thành trung tâm du lịch của vùng du lịch thứ 4, khi sân bay Cam Ranh được nâng lên thành sân bay quốc tế. Việc điều chỉnh chức năng khu vực vịnh Vân Phong thành khu kinh tế tổng hợp đã có tác động đến quyết định phát triển vùng vịnh Nha Trang - Bắc Cam Ranh trở thành khu du lịch biển tổng hợp quốc gia. Tư tưởng này đã được thể hiện trong Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010. Điều này một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của vịnh Nha Trang trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010 đã xác định phát triển du lịch sinh thái là 1 trong 2 hướng phát triển của du lịch Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên đến nay, còn rất ít mô hình cho phát triển du lịch sinh thái được thừa nhận. Trong khi đó, Khu Bảo tồn biển Hòn Mun - vịnh Nha Trang bước đầu đã xây dựng thành công mô hình phát triển du lịch sinh thái với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế mà tiêu biểu là Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Và mô hình phát triển du lịch sinh thái với sự tham gia tích cực của cộng đồng tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun - vịnh Nha Trang hiện đóng vai trò quan trọng như một hình mẫu về phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam.

Vịnh Nha Trang còn được biết đến là một trong những nơi có các giá trị đa dạng sinh học được các nhà khoa học đánh giá có một không hai trong nước và giữ một vai trò quan trọng ở các nước trong khu vực: với 350 loài thuộc 64 giống san hô tạo rạn, 222 loài cá rạn san hô, 106 loài động vật thân mềm… và hệ sinh thái thảm cỏ biển rừng ngập mặn phân bố ở nhiều vùng ven biển và ven đảo… Không những thế, theo TS Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - thông tin: Vịnh Nha Trang còn có giá trị về lịch sử - văn hóa, thẩm mỹ với điệu hò Bá Trạo và lễ hội Cầu ngư mang đậm nét văn hóa của vùng biển Khánh Hòa. Vịnh Nha Trang đã được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới và được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Với đặc điểm tự nhiên vốn có cùng với những giá trị kinh tế văn hóa đa dạng sinh học này, vịnh Nha Trang là một tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Nha Trang - Khánh Hòa.

° Những thách thức trong bảo tồn và phát triển

Tuy nhiên, do yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, vịnh Nha Trang đang đứng trước những thách thức, khó khăn không nhỏ. Ông Nguyễn Văn Long -  Viện Hải dương học Nha Trang báo động: từ năm 1994 đến 2005 độ phủ của san hô sống đã giảm từ 52,4% xuống 21,2%; tốc độ giảm trung bình 2,8%/năm. Nếu duy trì mức độ suy giảm như hiện nay, 30 năm nữa rạn san hô trong vịnh Nha Trang sẽ không còn. Hòn Tằm và Hòn Miễu là vùng rạn san hô bị suy thoái trầm trọng nhất và rong rêu đang bắt đầu phát triển. Nguyên nhân của tình trạng này là việc khai thác thủy sản mang tính hủy diệt bằng chất nổ, thuốc độc… Ngoài ra, các hoạt động du lịch còn gây hại cho rạn san hô do rác thải từ tàu du lịch, do neo đậu tàu thuyền, giẫm đạp của du khách khi bơi lặn và đánh bắt sinh vật rạn… Chính vì thế, môi trường vịnh Nha Trang vốn được xem là trong, sạch nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ suy giảm. Theo các nhà khoa học, việc đánh giá đúng tình hình vịnh Nha Trang để có các giải pháp thích hợp, nhằm kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên, môi trường vịnh Nha Trang là điều vô cùng cần thiết. Và mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của Khánh Hòa là bảo vệ, tái tạo các giá trị của vịnh Nha Trang, sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường vịnh Nha Trang để phát triển bền vững.

Để giải đáp bài toán giữa bảo tồn và phát triển vịnh Nha Trang, theo các nhà khoa học thực sự là một vấn đề nan giải. Nhiều biện pháp có tính cơ bản cũng đã được các nhà khoa học tại hội thảo đề xuất, như đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng để nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và nhân dân về việc bảo vệ các giá trị kinh tế, văn hóa, đa dạng sinh học vịnh Nha Trang. Động viên mọi người, kể cả du khách thể hiện nhận thức bằng các hành động cụ thể hàng ngày. Triển khai quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết việc sử dụng vịnh Nha Trang trên cơ sở quản lý tổng hợp đới bờ, đảm bảo phát triển hài hòa lợi ích của các ngành kinh tế. UBND tỉnh xem xét việc giao nhiệm vụ cho 1 cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm với tổ chức bộ máy về nhân lực đủ mạnh để giúp UBND tỉnh quản lý tốt vịnh Nha Trang. Trước mắt, trong năm 2007, kiểm soát tất cả các loại chất thải, thu gom vận chuyển chất thải sinh hoạt, chất thải từ các lồng bè nuôi tôm trên vịnh và xử lý chất thải ở các khu vực trọng điểm trước khi thải vào vịnh Nha Trang.

BÍCH KHUÊ