09:05, 24/05/2007

Xương rồng thực phẩm - Một giải pháp cho vùng khô hạn

Đến Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp (NCB-PTNN) Nha Hố (Ninh Thuận), tôi được mời nếm thử món rau xương rồng, tạm gọi là xương rồng thực phẩm, do chính tay...

Giống xương rồng Nopal.

Đến Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp (NCB-PTNN) Nha Hố (Ninh Thuận), tôi được mời nếm thử món rau xương rồng, tạm gọi là xương rồng thực phẩm, do chính tay những cán bộ nghiên cứu tự biên tự diễn. Thực đơn rau trong bữa cơm chỉ có mỗi loại xương rồng, gồm 2 món xúp và xào, chế biến đơn giản. Xương rồng nấu với cá ngừ tươi, sánh, thơm ngọt, lại thêm vị chua giôn giốt, tạo cảm giác thèm ăn. Trước đó, tôi được tận mắt thấy khu vườn xương rồng khảo nghiệm. Được trồng trên nền đất cát pha khô nóng, bạc màu nhưng vườn xương rồng xanh mướt, tua tủa trổ lên những cành to mập mạp. 

Xương rồng thực phẩm có nguồn gốc từ châu Mỹ, thuộc 2 loài Opuntia và Nopalea. Cây này được trồng nhiều tại Mexico với 24 loài, trong đó 15 loài dùng làm thức ăn gia súc, 6 loài lấy quả và 3 loài làm rau xanh (Opuntia ficus indica, Opuntia robusta và Nopan cochellinifera). Trong vai trò là loại rau thực phẩm, xương rồng được đánh giá cao bởi năng lượng chúng cung cấp: 27kcl/100g, trong đó hàm lượng protit 1,7g, chất béo 0,3g, canxi 93mg, sắt 1,6mg… chưa kể còn có 17 loại axít amin hữu ích khác. Xương rồng Nopal hiện diện trên những vùng đất khô cằn, lượng mưa bình quân năm cực thấp, chỉ dao động trong khoảng 250 - 450mm. Tại đây, người ta đã sản xuất hơn 100 sản phẩm và chế phẩm từ cây xương rồng. Mức tiêu thụ sản phẩm từ cây xương rồng bình quân của người dân Mexico cũng đáng kể, khoảng 6,4kg/người/năm. Xương rồng Nopal thích hợp trong điều kiện nhiệt độ từ 16 - 28°C, trên vùng đất có nguồn gốc núi lửa, đất đá vôi, đất cát sỏi ven biển, lượng mưa 150 - 800mm, độ cao 200 - 2.400m, tuy vậy nó vẫn sống tốt ở độ cao lên đến 4.000m. Đây là loại cây đặc biệt “dễ tính”, không đòi hỏi nhiều sự chăm bẵm, chịu được các loại đất nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong điều kiện được tưới tiêu, bón phân, xương rồng sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao.

Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, xương rồng Nopal chứa tỷ lệ cao các lớp lọc carbonhydrate dưới dạng mucilage (màng nhầy) và pectin (keo), được sử dụng trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… Kết hợp 2 chất này là một chất liệu sền sệt có khả năng bao bọc và bảo vệ bộ máy tiêu hóa giúp chữa các chứng đau họng và kích thích đường ruột. Lớp màng bao này làm tăng khả năng hấp thu chất béo và đường trong thực phẩm, giúp làm giảm cholesterol và lượng đường trong máu. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu các thành phần lý hóa của sợi Nopal và vai trò của chúng trong việc phòng ngừa bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa đường ruột nhờ khả năng khống chế và loại trừ vi khuẩn, cũng như các tác động hiệu quả với các bệnh béo phì, tim và ung thư ruột… Ngoài các tác dụng này, nhiều sản phẩm do hãng Desert Bloom, Inc (Mỹ) giới thiệu cho thấy, các chiết xuất từ xương rồng Nopal có thể giúp tăng cường miễn dịch, tăng khả năng sinh lý cho nam giới, tăng cường chức năng gan, hệ bài tiết, làm sạch ruột… Chất pectin chiết xuất từ cây Nopal được sử dụng như chất tạo ra độ sánh cho các sản phẩm từ sữa, bánh ngọt, mỹ phẩm. Đây cũng là nguyên liệu sử dụng thay mỡ hoặc đường để sản xuất các loại thức ăn có độ calo thấp. Cành xương rồng còn được dùng để trị các thương tổn trên da trong trường hợp bị bỏng, đứt, côn trùng cắn, cháy nắng… Hoa xương rồng có tác dụng làm se mặt các lớp biểu bì bị tổn thương, làm giảm sự tiết dịch. Xương rồng xắt lát mỏng có thể đắp trực tiếp trên da để chữa các vết thương tổn.

Tại Khánh Hòa và Nam Trung bộ, cây xương rồng mọc khá nhiều tại các vùng khô hạn hoang mạc hóa, tuy vậy là những giống không ăn được. Tại Khánh Hòa, mới đây xương rồng thực phẩm đã được Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) trồng thử nghiệm trên một số đảo thuộc huyện đảo Trường Sa với mục đích làm rau xanh và cải thiện môi trường, cảnh quan. Ở Ninh Thuận và Bình Thuận, xương rồng thực phẩm cũng đang được trồng thử nghiệm trên nhiều vùng đất khô cằn. Tiến sĩ Lê Công Nông - Phó Viện trưởng Viện NCB-PTNN cho biết, hiện cơ quan này đã tuyển chọn và khảo nghiệm thành công 19 giống xương rồng thực phẩm, bao gồm 3 giống ăn quả, 6 giống làm rau (2 giống nhập nội, 4 giống địa phương), 10 giống làm thức ăn gia súc. Viện sẵn sàng cung cấp giống và tài liệu kỹ thuật cho các địa phương và người dân có nhu cầu.

Hiện tại, vùng Nam Khánh Hòa và 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận có đàn gia súc (bò, dê, cừu) khoảng trên 1 triệu con và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh với tỷ lệ khoảng 20 - 25%/năm. Nhu cầu thức ăn cho gia súc là một con số khổng lồ, trong khi các địa phương mới chỉ phát triển chừng 3.000 ha cỏ cao sản. Trong suốt 6 tháng mùa khô, các nguồn cỏ và thức ăn tự nhiên bị cạn kiệt. Tình trạng thiếu thức ăn kéo dài đã khiến cho 20 - 30% tổng đàn gia súc (khoảng 400.000 con) bị suy dinh dưỡng dẫn đến bệnh dịch và chết hàng loạt. Trong khi đó, vùng  Nam Trung bộ có đến vài trăm ngàn héc-ta đất không có nước tưới trong diện có nguy cơ hoang mạc hóa, phần lớn hầu như không thể sản xuất. Quỹ đất này có thể khai thác một phần cho việc trồng xương rồng - một giải pháp cho vùng khô hạn. Ngoài là nguồn rau xanh, thức ăn cho gia súc, xương rồng thực phẩm còn giúp cải tạo đất, tăng độ che phủ, chống xói mòn rửa trôi và góp phần cải thiện nguồn nước ngầm vốn rất khan hiếm tại đây. Nếu được quan tâm một cách đúng mức, rất có thể nhiều khu vực của Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ sẽ có thêm một loại đặc sản hàng hóa đặc trưng của vùng khô hạn.

NGUYỄN HUÂN