Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Thương mại) dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5-2007 sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5%. Tuy nhiên, giá hàng hoá sẽ giảm nhiệt dần...
Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Thương mại) dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5-2007 sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5%. Tuy nhiên, giá hàng hoá sẽ giảm nhiệt dần và ổn định ở mức cao như hiện nay.
Đường kính: Dự báo tháng 5, thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ đường sẽ tăng mạnh. Nguồn đường trong nước sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong những tháng nắng nóng nên giá đường trên thị trường sẽ ổn định ở mức như hiện nay.
Giá bán đường tại các trung tâm bán buôn (có VAT) phổ biến ở mức: Đường kính trắng 6.200-6.600 đ/kg, đường tinh luyện 7.000-7.200 đ/kg, đường vàng 6.000-6.100 đ/kg, giá bán lẻ đường trên thị trường phổ biến 8.000-10.000 đ/kg (đường RE).
Phân bón: Sau thời kỳ tăng nóng vào khoảng giữa tháng 4, sang đến tháng 5, giá phân bón trong nước sẽ hạ nhiệt, ổn định dần và nhiều khả năng giá phân urê sẽ giảm nhẹ.
Theo Bộ Thương mại, trong tuần qua, giá phân urê trong nước đã chững lại và giảm tại một số địa phương với mức giảm 100-200 đ/kg. Giá bán phân urê của Nhà máy đạm Phú Mỹ đã giảm từ 5.400 đ/kg xuống còn 5.200 đ/kg. Hiện tại các tỉnh giá urê phổ biến ở mức 5.200-5.600 đ/kg. Tuy nhiên, giá sẽ tiếp tục giảm do giá phân urê nhập khẩu tại nước ngoài giảm nhẹ.
Xi măng và thép: Với khối lượng xi măng và clinker dự trữ còn khoảng 2,1 triệu tấn, cùng với khả năng sản xuất của các cơ sở sẽ bảo đảm cung ứng đủ xi măng cho các tháng còn lại của quý 2 với giá ổn định. Tương tự là giá thép ổn định dần do giá nhập khẩu phôi thép và thép phế liệu giảm, lượng thép thành phẩm và phôi thép tồn kho đến cuối tháng 4 tương ứng ở mức 180.000 tấn và 300.000 tấn...
Lương thực: Bộ Thương mại dự báo, trong tháng tới, giá gạo sẽ tăng tại một số địa bàn nhưng mức tăng không nhiều. Nguyên nhân do giá xuất khẩu gạo trên thị trường châu Á tiếp tục vững do nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn tăng.
Giá chào gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức: Gạo 5% tấm là 305 USD/tấn; 25% tấm là 290 USD/tấn. Chính giá gạo xuất khẩu vững ở mức cao, cộng với nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn tăng sẽ giữ giá gạo trong nước ổn định dù cuối tháng 5 một số tỉnh phía Bắc sẽ thu hoạch sớm vụ đông xuân.
Hiện nay, giá gạo tẻ trong nước phổ biến từ 5.100-5.800 đ/kg (miền Bắc, đang trong kỳ giáp hạt) và 4.500-4.700 (đồng bằng sông Cửu Long, vừa thu hoạch xong lúa đông xuân).
Thực phẩm: Đây là một trong số ít các mặt hàng được Bộ Thương mại dự báo sẽ tăng giá trong tháng này. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng thực phẩm sẽ tăng cao vào những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên giá nhiều loại thực phẩm sẽ tăng, nhất là những mặt hàng thực phẩm chế biến chất lượng cao. Tuy nhiên, mức tăng được dự báo là không cao do nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng, khả năng thay thế cao trong tiêu dùng.
Hiện nay, giá thịt heo nhìn chung ổn định tại các tỉnh phía Bắc, trừ một số địa bàn do heo bị dịch bệnh nên giá giảm. Thịt heo hơi phổ biến ở mức 14.000-15.500 đ/kg (phía Bắc) và 16.000-18.000 đ/kg (phía Nam); thịt heo mông sấn 29.000-33.000 đkg (phía Bắc) và 28.000-35.000 đ/kg (phía Nam). Giá thịt bò ổn định ở mức 70.000-90.000 đ/kg, gà ta phổ biến 60.000-75.000 đ/kg.
Theo Vietnamnet