10:05, 17/05/2007

Nghề thủ công mỹ nghệ mây tre lá ở Ninh Hòa

Từ khi xuất hiện nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) mây tre lá, đa số lao động nông nhàn ở Ninh Hòa đã tận dụng được thời gian nhàn rỗi. Nghề này tuy không mang lại tốc độ tăng trưởng...

Nghề thủ công mỹ nghệ mây tre lá giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở Ninh Hòa.

Từ khi xuất hiện nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) mây tre lá, đa số lao động nông nhàn ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã tận dụng được thời gian nhàn rỗi. Nghề này tuy không mang lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao cho địa phương nhưng đã giúp nhiều gia đình có việc làm thường xuyên và thoát nghèo.

° Nghề ít được biết

Hiện nay, huyện Ninh Hòa có 8 doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất hàng TCMN mây tre lá. Đa số các DN hoạt động nhỏ lẻ, chủ yếu là gia công sản phẩm theo đơn đăït hàng của đối tác. Do hoạt động phụ thuộc nên phần lớn các DN có vốn rất thấp (chỉ khoảng vài trăm triệu đồng/DN). Đặc thù hoạt động “lấy công làm lời” nên đòi hỏi từng DN phải sản xuất một thời gian dài mới có thể tích lũy được vốn và mở rộng quy mô sản xuất. Điển hình như: Hợp tác xã (HTX) TCMN xuất khẩu Vĩnh Phước. HTX khởi nghiệp từ một tổ hợp sản xuất nhỏ, thiếu vốn, không có mặt bằng sản xuất. Sau nhiều năm mò mẫm, tự tìm hướng đi, đơn vị đã gây dựng được cơ sở có vốn và thương hiệu uy tín như hôm nay. Các DN khác, vì mới chập chững bước vào hoạt động nên còn hạn chế nhiều mặt.

Do chỉ hoạt động vệ tinh (gia công hàng cho các đối tác lớn) nên dù sản phẩm của các DN ở Ninh Hòa có tốt đến mấy cũng ít ai biết. Khi sản phẩm ra thị trường, không ai biết nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, dù các sản phẩm này cũng đòi hỏi có quy trình sản xuất và kỹ thuật cao mới tiêu thụ được. 

° Giải quyết việc làm cho nhiều lao động

Đặc thù nghề TCMN mây tre lá không cần DN có quy mô nhà xưởng lớn. Bởi lẽ phần lớn DN sử dụng lao động nông nhàn. Người lao động có thể mang vật liệu về làm tại gia đình. Khi sản phẩm hoàn thành, các DN sẽ tập hợp lại để giao cho đối tác. Nghề này tạo ra sản phẩm có giá trị thẩm mỹ và hàng hóa nhưng mức đóng góp vào ngân sách không cao. Duy nhất trong số các đơn vị sản xuất, HTX TCMN xuất khẩu Vĩnh Phước là nộp ngân sách khá (năm 2006 HTX nộp 859 triệu đồng). Các DN còn lại, mức nộp ngân sách còn rất nhỏ so với sự tăng trưởng công nghiệp địa phương. Chủ 1 DN mới đi vào hoạt động cho biết: Công ty đang được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN nên chỉ nộp thuế giá trị gia tăng. Số thuế DN phải nộp chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng…

Nghề TCMN mây tre lá ở Ninh Hòa mới phát triển mạnh khoảng 5 năm gần đây. Các DN trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động thường xuyên và hơn 7.000 lao động nông nhàn với thu nhập bình quân 700 - 800 ngàn đồng/người/tháng. Ông Trần Lân - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện nhận định: “Tuy nghề đan mây tre lá không mang lại thu nhập cao cho DN nhưng giải quyết được việc làm cho  nhiều lao động tại chỗ. Đây cũng là ngành được huyện khuyến khích để giải quyết việc làm cho lao động trình độ thấp”.

° Vấn đề đặt ra

Nghề TCMN mây tre lá chỉ cần chịu khó, kiên trì và làm thêm giờ là sẽ tăng thu nhập, vì vậy tại Ninh Hòa, nhiều lao động đã xác định đây là nghề chính của mình. Tuy nhiên, để nghề này phát triển ổn định và bền vững đòi hỏi bản thân DN và Nhà nước phải có kế hoạch, định hướng phát triển. Bởi hiện nay, giá trị tiền công sản phẩm trong từng DN không đồng đều. Nhiều DN có biểu hiện cạnh tranh thu hút lao động không lành mạnh làm cho nguồn lao động trong từng cơ sở thiếu tính ổn định. Bên cạnh đó, vấn đề nguyên liệu đang là nỗi lo của nhiều DN. Hiện nay, nguồn nguyên liệu tại địa phương không đủ đáp ứng cho hoạt động sản xuất. Các DN đã phải thu mua nguyên liệu ở nhiều địa phương khác. Bước đầu, HTX TCMN xuất khẩu Vĩnh Phước triển khai trồng thử nghiệm cây cói làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, những diện tích cói được trồng chỉ mới bước đầu nên phải có thời gian để đánh giá sự thành công.

HOÀNG TRIỀU