Do nhu cầu phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh, ngành Tài chính - Ngân hàng đang phải đối mặt với “cơn khát” nhân sự, đặc biệt là các chức danh giám đốc, phó giám đốc...
Ngoài việc giỏi chuyên môn, nhân viên ngành NH còn phải chịu áp lực công việc cao. |
Do nhu cầu phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh, ngành Tài chính - Ngân hàng đang phải đối mặt với “cơn khát” nhân sự, đặc biệt là các chức danh giám đốc, phó giám đốc, trưởng - phó phòng, chuyên viên phân tích, tư vấn tài chính, môi giới, giao dịch chứng khoán…
Trên trang quảng cáo của các báo hiện nay, liên tục xuất hiện những mẩu thông báo tuyển dụng nhân sự của các NH, công ty chứng khoán, tài chính… Vị trí mà các NH, công ty cần tuyển dụng đa số là chức danh giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, trưởng phó phòng, nhân viên kinh doanh, kế toán, môi giới, giao dịch khách hàng… Mục đích của việc tuyển dụng này xuất phát từ việc các NH, công ty chứng khoán, tài chính cần hoàn thiện đội ngũ nhân sự trong thời gian ngắn, nhằm phục vụ cho việc mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển khá nhanh, trên cùng một địa bàn có nhiều NH, công ty cùng mở chi nhánh, phòng giao dịch nên đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển này. Tại Khánh Hòa, hiện có 5 NHTM quốc doanh, 9 chi nhánh NHTM cổ phần, 1 chi nhánh công ty cho thuê tài chính, 1 chi nhánh NH Chính sách xã hội và NH Phát triển. Theo ý kiến nhiều người, tại một thành phố nhỏ như Nha Trang, với số lượng NH hiện tại là quá nhiều, nên nguồn nhân lực không đáp ứng đủ nhu cầu là điều tất yếu. Nhưng sắp tới, căn cứ theo thông báo tuyển dụng nhân sự đăng trên các báo, tại Nha Trang sẽ có thêm Chi nhánh NH Đông Nam Á, Chi nhánh Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn…
Giám đốc một chi nhánh NHTM cổ phần cho biết, vì thiếu nhân sự nên các NH đang tìm cách lôi kéo nhân sự của nhau. Trong đó, các NHTM cổ phần đang phải đối mặt với “cơn khát” nhân sự chủ chốt (VIP), đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác quản trị điều hành các chi nhánh mới thành lập. Để giải quyết việc này, các NH buộc phải chấp nhận việc chạy đua “nóng” nhằm chiêu mộ nhân tài. Kênh truyền thống để chiêu mộ là đăng báo tuyển dụng, nhưng bên cạnh đó các NH còn phải dùng nhiều kênh khác như đưa ra mức lương cao, ưu đãi mua cổ phần của NH, chế độ đãi ngộ cùng các phúc lợi hấp dẫn khác. Chính vì những lời mời hấp dẫn này mà trong 2 năm 2005 - 2006, ngành NH Khánh Hòa chứng kiến một sự dịch chuyển nhân sự khá sôi động. Trong sự dịch chuyển này, đa phần là nhân sự ở các NH quốc doanh dịch chuyển sang NH cổ phần và được nắm giữ các vị trí chủ chốt. Ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc Chi nhánh NH Nhà nước tỉnh nhận xét: “Trong bối cảnh như vậy, sự dịch chuyển nguồn nhân lực là đúng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là đội ngũ nhân sự ấy sau khi thay đổi vị trí có khẳng định được mình không mới là quan trọng”. Hiện tại, vị trí giám đốc, phó giám đốc Chi nhánh Khánh Hòa của các NH cổ phần như: NH Xuất nhập khẩu (Eximbank), NH Á Châu (ACB), NH Ngoài quốc doanh (VPBank), NH Nam Á, NH Phương Đông… đều là nhân sự của các NH quốc doanh chuyển qua và tất cả họ đều đã khẳng định được năng lực của mình.
Tuy nhiên, sự chuyển dịch nhân sự từ nơi này sang nơi khác cũng phát sinh những hệ lụy. Thứ nhất, nếu các NHTM cổ phần tham gia cuộc cạnh tranh nhân lực thông qua công cụ lương, nhưng quá lạm dụng có thể gây nên sự rối loạn thị trường nhân lực và chưa thể đánh giá đúng hết năng lực thật sự của người lao động. Thứ hai, những NH đã không đủ người lại còn bị mất cán bộ có năng lực, nếu tình trạng này cứ diễn ra, tất yếu sẽ nảy sinh các rủi ro về đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ, tài sản của chính NH đó. Tổng Giám đốc một NH cổ phần cho biết: “Trước nay, khi lập chi nhánh mới, yêu cầu của NH là cán bộ có thâm niên ít nhất 10 năm mới được làm giám đốc nhưng hiện nay do áp lực thiếu và mất người, NH buộc phải sử dụng cả người chỉ mới làm việc 5 năm”.
Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, mỗi NH phải thực sự coi trọng việc xây dựng một chiến lược nhân sự dài hạn và đồng bộ. Được biết, các NH trong nước đều đã chuẩn bị cho mình các giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Các NH như ACB, Incombank, Sacombank, VPBank, Eximbank… đều thành lập trung tâm đào tạo. Tùy theo nhu cầu, các NH này còn phân loại để gửi nhân viên tham gia những khóa đào tạo trong và ngoài nước.
THU HIỀN