Mô hình tập đoàn đa năng đang là cái đích nhắm tới của nhiều ngân hàng Việt Nam sau khi cổ phần hoá, với việc góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn như giao thông...
Ảnh minh họa. |
Mô hình tập đoàn đa năng đang là cái đích nhắm tới của nhiều ngân hàng Việt Nam sau khi cổ phần hoá, với việc góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn như giao thông, thuỷ điện, bất động sản và nhiều dịch vụ tài chính khác.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), ngân hàng thương mại Nhà nước đầu tiên của Việt Nam sẽ cổ phần hoá trong năm nay, đang có những bước chuẩn bị để tạo ra liên minh đối tác chiến lược với các tập đoàn trong nước để triển khai đầu tư theo hướng này.
VCB dự kiến sẽ tham gia vào dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong vai trò của một nhà đầu tư. Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng Giám đốc Vietcombank nói: “Trước mắt là như vậy, sau đó Vietcombank sẽ cùng với các đối tác chiến lược đầu tư vào một số công trình đặc biệt quan trọng với số vốn lên tới hàng tỷ USD”.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tận dụng thế mạnh trong lĩnh vực cho vay đầu tư phát triển để góp vốn vào Công ty cổ phần Thủy điện Đak Đrinh và một số dự án khác như đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, Thủy điện Việt - Lào...; đồng thời, góp vốn để thành lập các quỹ đầu tư trong lĩnh vực này.
Tổng Giám đốc BIDV Trần Bắc Hà cho biết, củng cố và phát triển những mối quan hệ hợp tác chiến lược hiện có với nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước cũng là một ưu tiên, làm tiền đề để sau khi cổ phần hóa BIDV có thể tạo lập được những liên minh, tổ hợp đầu tư vào các ngành trọng điểm như năng lượng, viễn thông, khai khoáng, cơ sở hạ tầng...
Với lộ trình cổ phần hoá muộn hơn, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2008, nhưng ngay từ bây giờ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng đang hoàn thiện các yếu tố cơ bản để phát triển theo hướng tập đoàn tài chính đa ngành, đa sở hữu.
Mục tiêu của Agribank là hình thành tập đoàn với công ty mẹ và ít nhất 11 công ty cổ phần hoạt động trên nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, cho thuê tài chính, dịch vụ thương mại, đầu tư tài chính, bất động sản và kinh doanh vàng bạc.
Các chuyên gia Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng các ngân hàng sau cổ phần hoá cần phải có thời gian chuẩn bị, có tiềm lực thực sự, trong đó quan trọng là trình độ quản lý và đội ngũ nhân lực có chất lượng, mới có thể thực hiện mục tiêu trở thành tập đoàn đa chức năng.
Theo TTXVN