02:05, 13/05/2007

Ngân hàng cổ phần lại đua nhau tăng vốn

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, các NHCP đã tìm mọi cách để được tăng vốn, phát hành cổ phiếu mới và nhiều NH đã “toại nguyện”. Còn nhà đầu tư đang lo ngại thị trường...

Ảnh minh họa.

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, các ngân hàng cổ phần (NHCP) đã tìm mọi cách để được tăng vốn, phát hành cổ phiếu mới và nhiều NH đã “toại nguyện”. Còn nhà đầu tư đang lo ngại thị trường sẽ “thừa mứa” cổ phiếu NH và giá sẽ giảm...

Đầu tháng 4-2007, trước tình trạng hàng loạt NHCP đua nhau tăng vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải ra Văn bản 3103 nhằm kiểm soát chặt chẽ việc tăng vốn này. Nhưng trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, các NHCP đã tìm mọi cách để được tăng vốn, phát hành cổ phiếu mới và nhiều NH đã “toại nguyện”. Còn nhà đầu tư đang lo ngại thị trường sẽ “thừa mứa” cổ phiếu NH và giá sẽ giảm...

Nhiều ngân hàng tăng vốn

Mới đây,  NHNN vừa chấp thuận kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng như Đông Á (EAB), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Sài Gòn Công thương (Saigonbank) và đang xem xét hồ sơ tăng vốn của một số ngân hàng khác.

EAB tăng vốn từ 880 tỷ đồng lên 1.400 tỷ đồng, sẽ phát hành 520 tỷ đồng cổ phiếu tăng vốn cho các cổ đông hiện hữu theo danh sách đã chốt vào đầu năm 2007. Nếu NHNN cho phép, EAB sẽ tiếp tục tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng và phát hành thêm cổ phiếu mới, tổng trị giá 600 tỷ đồng. Saigonbank cũng dự kiến sẽ triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 689,255 tỷ đồng hiện nay lên 1.020 tỷ đồng ngay trong tháng 5-2007.

Eximbank cũng sẽ phát hành gần 1,6 triệu cổ phiếu vào cuối tháng này, để tăng vốn từ 1.212 tỷ đồng lên 2.800 tỷ đồng. Ngoài ra, Eximbank còn phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu trong năm 2007.

Trước đó Sacombank đã được tăng vốn từ 2.089 tỷ đồng lên 4.450 tỷ đồng ngay trong năm 2007,  ACB nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.630 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng nhỏ hơn cũng thi nhau tăng vốn lên trên 1.000 tỷ đồng như : Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) từ 1.000 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng. Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) tuyên bố tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng trong năm 2007.

Riêng NH Quân đội (MB) từ nay đến 2010, mỗi năm sẽ tăng vốn điều lệ thêm 64%, để nâng vốn từ 1.045,2 tỷ đồng hiện nay lên 7.300 tỷ đồng...

Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB lý giải nguyên nhân cuộc đua này rằng “vốn ít đồng nghĩa chấp nhận tụt hậu trong cuộc cạnh tranh quá khốc liệt hiện nay. Hơn nữa ít vốn thì không thể nào mở rộng kinh doanh, phát triển công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm...”.

Còn Tổng Giám đốc Sacombank Đặng Văn Thành thì khẳng định: “Đã đến lúc NH Việt Nam phải tự tìm nguồn vốn trong nước và không thể đợi vốn từ NH nước ngoài. Mình có vốn lớn thế của mình sẽ khác, khi hợp tác hay tính chuyện thành đối tác tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn.

Từ 1-4-2007, NH nước ngoài được phép mở NH “con” tại Việt Nam nên cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn. Trong khi họ đang còn chuẩn bị và chưa có giấy phép, sản phẩm còn bó hẹp thì NH nội phải tranh thủ để mở rộng hoạt động và thu hút khách hàng”. Tuy nhiên, có khá nhiều lý do mà các vị lãnh đạo NHCP chưa tiện nói ra.

Tăng vốn: chuyện sống còn

Hiện nay, gần 20 hồ sơ xin phép thành lập các NHCP mới chưa được NHNN duyệt vì nhiều lý do nhưng sự ra đời của những NH này chỉ còn là thời gian. Từ 1997 đến nay NHNN chưa cấp phép thành lập thêm NH nào.

Nhưng từ cuối năm 2006 đến cuối tháng 3-2007 đã có 20 hồ sơ xin lập NHCP nộp lên NHNN trong đó có 2 NH nước ngoài, xin phép thành lập ngân hàng con 100% ở Việt Nam.

Trong số hồ sơ trên có cả doanh nghiệp từ lĩnh vực công nghệ thông tin ( FPT), dầu khí (Tập đoàn Dầu khí VN)... nhảy vào  với mức vốn đều 1.000 tỷ đồng.

Theo quy định của Chính phủ, từ tháng 11-2007, các ngân hàng thành lập mới đều phải có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng và từ tháng 1-2009 phải là hơn 3.000 tỷ đồng. Với các ngân hàng đã thành lập và đang hoạt động, phải có phương án tăng theo lộ trình, đảm bảo đến cuối 2008 phải đạt tối thiểu 1.000 tỷ và đạt 3.000 tỷ trước 31-12-2010.

Những lý do trên buộc các NHCP phải xem tăng vốn là yếu tố quyết định sự “sống còn”. Họ cần phải nhanh chóng tăng vốn để chiếm lĩnh thị phần còn lại với thời gian tính từng ngày.

Phó Tổng Giám đốc một NHCP nói: “Đang nắm lợi thế trong tay và kinh nghiệm của những NH ra đời trước, bằng mọi giá chúng tôi phải ra tay trước để thắng trong cuộc đua này, nếu không nguy cơ thua lỗ, thậm chí bị sáp nhập, phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Nhưng vị này cũng nói thêm “tăng vốn, phát hành cổ phiếu cùng thời điểm và ồ ạt như hiện nay quả là rất bất lợi nhưng không còn cách nào khác vì chẳng còn thời gian lựa chọn nữa. 

Việc hàng loạt cổ phiếu NHCP như Techcombank, EAB, MB, Eximbank Habubank, VIB Bank, ABBank, VPBank, Southern Bank... cùng nhau giảm giá trong thời gian qua tuy nằm trong tình trạng chung nhưng đáng để các nhà đầu tư cân nhắc khi tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu NH.

Sắp tới, hàng chục triệu và có thể hàng trăm triệu cổ phiếu NHCP sẽ được tung ra thị trường, ai dám đảm bảo cung sẽ không vượt cầu và cổ phiếu NH vẫn tiếp tục “hot”?

Theo Vietnamnet