Các hãng tàu nước ngoài đã chính thức gửi thông báo đến các doanh nghiệp đang hoạt động tại VN về việc thu cước phí xếp dỡ container (THC) đối với các lô hàng xuất nhập khẩu...
Ảnh minh họa. |
Các hãng tàu nước ngoài đã chính thức gửi thông báo đến các doanh nghiệp đang hoạt động tại VN về việc thu cước phí xếp dỡ container (THC) đối với các lô hàng xuất nhập khẩu.
Theo đó, bên cạnh mức cước vận chuyển, các doanh nghiệp phải trả thêm 65 USD/container 20 feet và 98 USD/container 40 feet đối với các lô hàng xuất nhập khẩu đi trên tuyến châu Âu từ ngày 2-5 và tuyến châu Mỹ từ 15-5. Riêng các lô hàng trên tuyến Trung Đông và châu Á sẽ áp dụng thu THC từ 1-6 với mức 60 USD/container 20 feet và 90 USD/container 40 feet.
Trưởng phòng kinh doanh và tiếp thị của một hãng tàu cho biết, hãng này đã gửi thông báo đến tất cả các doanh nghiệp về việc thu THC. Ông này nhấn mạnh: “Nếu doanh nghiệp xuất khẩu từ chối không đóng THC, chúng tôi sẽ không cấp vận đơn. Còn với các doanh nghiệp nhập khẩu, chúng tôi sẽ không cho dỡ hàng xuống cảng”.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có những phản ứng khác nhau. Ông Nguyễn Phi Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Agrexport Sài Gòn, bức xúc: “Việc thu phí phải có lộ trình, chúng tôi phải được thông báo trước để tính toán đưa vào chi phí. Còn áp dụng ngay vào thời điểm này, nếu chúng tôi chấp nhận thực hiện, nguy cơ thua lỗ là khó tránh khỏi”.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK Intimex TP. Hồ Chí Minh, cho rằng lẽ ra việc thu phí này phải có sự đồng thuận giữa nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và hãng tàu để các bên chủ động khi tính toán. “Khó có thể chấp nhận một sự áp đặt, chúng tôi tạm ngưng xuất hàng cho đến khi các nhà nhập khẩu làm việc và đạt được thỏa thuận với các hãng tàu...” - ông Nam khẳng định.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - đơn vị được giao làm đầu mối đàm phán THC của VN với các hãng tàu cho biết, trước đó hội đồng đàm phán đã gửi thư đến các hãng tàu khuyến cáo không nên đơn phương áp dụng THC tại VN. Ông cho rằng đây là một loại phí áp dụng trên lãnh thổ VN, vì vậy sẽ có lợi cho cả hai bên nếu các hãng tàu ngồi vào bàn đàm phán với VCCI để tìm ra một lộ trình áp dụng phù hợp nhất.
Theo Tuoitre