Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng để điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu với phụ tùng linh kiện ôtô...
Sản xuất ô tô tại Toyota Việt Nam. Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng để điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu với phụ tùng linh kiện ôtô.
Theo Bộ Tài chính, từ khi chuyển sang tính theo từng linh kiện, phụ tùng ôtô, mức thuế suất trung bình theo bộ linh kiện áp so với mức thuế suất bộ linh kện CKD có sự chênh lệch.
Với xe chở người mức thuế suất bình quân tính theo từng linh kiện phụ tùng có giảm so với mức thuế áp dụng cho bộ linh kiện CKD.
Cụ thể loại xe trên 16 chỗ có mức thuế suất với bộ linh kiện dạng CKD là 15%, nhưng với thuế suất bình quân tính theo từng phụ tùng là 14,56%; xe dưới 16 chỗ mức thuế suất với bộ linh kiện dạng CKD là 25% và thuế suất bình quân tính theo từng phụ tùng là 19-22%; xe 7-8 chỗ mức thuế suất với bộ linh kiện dạng CKD là 25% và thuế suất bình quân tính theo từng phụ tùng là 19-20%; xe 4 chỗ mức thuế suất với bộ linh kiện dạng CKD là 25% và thuế suất bình quân tính theo từng phụ tùng là 20-22%.
Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đã đạt được mức độ rời rạc cao hơn nhiều so với bộ linh kiện CKD, một số phụ tùng có thuế suất cao (lốp, kính, ắc qui, gương, ghế...) các doanh nghiệp đã sử dụng hàng sản xuất trong nước.
Đối với xe tải đến thời điểm hiện nay mức thuế suất trung bình sẽ tăng lên khoảng 7%-12% đối với loại xe từ 10 tấn trở lên. Mức thuế suất bình quân của các loại xe tải cao hơn mức thuế suất bộ linh kiện CKD là do thuế suất bộ linh kiện CKD quy định với xe tải, đặc biệt là xe tải hạng trung và nặng rất thấp, chỉ là 3% đến 5%.
Khi chuyển sang tính thuế theo phụ tùng rời không thể quy định mức thuế suất thấp 3% đến 5% đồng loạt cho các phụ tùng mà một số phụ tùng trong nước đã có khả năng sản xuất phải quy định mức thuế cao hơn như thân xe, thùng xe, ắc quy, kính, săm lốp, hệ thống điện...
Tuy nhiên, theo báo cáo của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất xe tải hạng trung và nặng thì thuế suất đối với linh kiện phụ tùng xe tải ngang bằng hoặc cao hơn thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (ASEAN - Trung Quốc, CEPT) của xe nguyên chiếc sẽ làm cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước gặp khó khăn.
Nguyên nhân do không cạnh tranh được với xe nguyên chiếc giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, chưa kể đến xe cũ nhập khẩu, do vậy sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất, lắp ráp ôtô tải hạng trung và nặng.
Bộ Tài chính cùng các bộ chức năng đã tiến hành rà soát lại danh mục và các mức thuế suất, trên cơ sở đó đề xuất phương án sửa.
Theo đó, đối với xe tải trên 10 tấn và dưới 20 tấn do phần lớn các phụ tùng trong nước chưa sản xuất được, nhất là các phụ tùng quan trọng đòi hỏi công nghệ chế tạo cao như: khung xe, ca bin, động cơ, hộp số, hệ thống phanh.
Tuy nhiên, trong số đó các phụ tùng này có động cơ, hộp số là những phụ tùng Chính phủ khuyến khích sản xuất trong nước, nếu giảm thuế xuống mức quá thấp thì các doanh nghiệp sẽ chỉ nhập khẩu mà không sản xuất. Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng này từ 10%-35% xuống các mức tương ứng từ 5% đến 20%.
Theo thiết kế mới, mức thuế suất bình quân gia quyền của các phụ tùng nguyên chiếc sẽ tăng lên từ 6%-10% so với mức thuế của CKD là 3%-5%, nếu tính theo chi tiết phụ tùng sẽ khoảng 6%-8% (đây là mức được tính trên cơ sở doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn) nếu các doanh nghiệp sử dụng một số linh kiện trong nước thì mức thuế suất sẽ thấp hơn.
Đối với xe tải từ 20 tấn trở lên dự kiến giảm thuế các phụ tùng xuống 3%, riêng các loại phụ tùng như: kính, ắc quy, ghế, lốp, bộ dây điện trong nước đã sản xuất được vẫn giữ nguyên thuế suất từ 5% đến 30%. Theo thiết kế mới, mức thuế suất bình quân của các phụ tùng nguyên chiếc sẽ tăng 5%-6%, nếu tính theo chi tiết phụ tùng sẽ là 4%-5%.
Theo Tuoitre