10:05, 17/05/2007

Đã có thiết bị chẩn đoán bệnh đốm trắng trên tôm

Bệnh virus đốm trắng trên tôm là một bệnh nguy hiểm gây chết tôm hàng loạt, làm thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi nhưng từ trước đến nay...

Tìm virus đốm trắng bằng máy PCR.

Bệnh virus đốm trắng trên tôm là một bệnh nguy hiểm gây chết tôm hàng loạt, làm thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi nhưng từ trước đến nay, Khánh Hòa chưa có thiết bị kiểm nghiệm virus đốm trắng (WSSV). Được sự tài trợ của Dự án SUMA (Đan Mạch), Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) Khánh Hòa vừa đưa vào hoạt động Phòng Kiểm nghiệm bằng kỹ thuật PCR. Từ nay, người nuôi tôm có thể yên tâm khi gửi mẫu kiểm tra bệnh đốm trắng.

Kỹ thuật PCR (viết tắt của từ Polymerase Chain Reaction) là kỹ thuật chẩn đoán virus đốm trắng trên các loài thuộc họ tôm He bằng cách sử dụng chuỗi các phản ứng nối tiếp nhau dùng để khuếch đại số lượng bản sao của một trình tự AND đích thông qua các chu kỳ gồm 3 bước: biến tính AND, bắt cặp bổ sung với mồi và tổng hợp mạch mới nhờ enzym AND polymerase. Đây là kỹ thuật mới, hiện đại dựa trên cơ sở di truyền học phân tử. Kỹ thuật trên cho phép trong một thời gian tương đối ngắn từ 5 - 6 giờ, kỹ thuật viên có thể đọc kết quả có hay không virus đốm trắng trên mẫu tôm. Điều đó cũng giải thích vì sao lâu nay chúng ta chưa thể xét nghiệm được virus đốm trắng trên tôm. Đó cũng là kết quả của sự hợp tác giữa ngành Thủy sản Khánh Hòa với Dự án Suma (Đan Mạch), một tổ chức phi chính phủ quan tâm hỗ trợ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đẩu, Phó Trưởng Chi cục BVNLTS Khánh Hòa cho biết: Nhờ nguồn vốn của Suma tài trợ, chúng tôi đã đưa thiết bị này vào hoạt động từ đầu năm 2007. Thiết bị có tổng trị giá hơn 800 triệu đồng, có thể kiểm nghiệm chỉ tiêu bệnh đốm trắng trên tôm sú cũng như tôm chân trắng. Hiện nay, việc mua bán, vận chuyển tôm giống trên thị trường, đặc biệt là đối với các tỉnh phía Nam đòi hỏi phải kiểm nghiệm virus bệnh đốm trắng, do vậy việc đưa thiết bị này vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho nghề nuôi tôm trong tỉnh. Tuy nhiên, việc xét nghiệm hiện nay vẫn còn mang tính bao cấp, có khi chỉ kiểm nghiệm 1 test cũng cho máy chạy, trong khi theo tính toán phải làm ít nhất 4 test mới huề vốn (1 test thu 160.000đ). Điều đáng mừng là từ khi đưa thiết bị này vào hoạt động, người nuôi tôm đã kịp thời phát hiện và tiêu hủy tôm mắc bệnh đốm trắng, ngăn chặn được bệnh dịch lây lan.  

Qua 4 tháng hoạt động (từ tháng 1-2007 đến nay), Phòng PCR đã kiểm tra 99 mẫu tìm virus đốm trắng. Việc đưa Phòng PCR vào hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức của người nuôi tôm. Người nuôi nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và chủ động phòng chống. Tuy hiện đại, nhưng theo kỹ sư Thu, hiện nay Phòng PCR chưa thể phát hiện được bệnh đầu vàng trên tôm nuôi, vì thiếu thiết bị máy ly tâm lạnh.

Phòng PCR hoạt động liên tục trong giờ hành chính. Nếu có yêu cầu, các nhân viên có thể làm thêm giờ, ban đêm và cả ngày nghỉ (Thứ bảy, Chủ nhật). 

QUANG VIÊN