03:05, 30/05/2007

Công nghiệp đóng tàu - Cơ hội và thách thức

Những năm gần đây, hoạt động đóng tàu (ĐT) ở Khánh Hòa có bước phát triển khả quan. Bên cạnh nghề ĐT truyền thống, việc áp dụng công nghệ ĐT hiện đại đã được định hình...

Nghề đóng tàu gỗ đang ngày càng gặp khó khăn.

Những năm gần đây, hoạt động đóng tàu (ĐT) ở Khánh Hòa có bước phát triển khả quan. Bên cạnh nghề ĐT truyền thống, việc áp dụng công nghệ ĐT hiện đại đã được định hình. Lợi thế về nhiều mặt đang thúc đẩy công nghiệp ĐT ở Khánh Hòa tiến lên tầm cao mới.

° Đã tiếp cận với công nghệ hiện đại, nhưng…

Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 300km, nhiều vịnh kín gió và gần đường hàng hải quốc tế. Đặc biệt, các vịnh đều nằm ở độ sâu thích hợp và không bị bồi lắng, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế biển; trong đó có công nghiệp ĐT.

Bên cạnh các cơ sở ĐT gỗ, một số nhà máy đóng và sửa chữa tàu thủy có trọng tải lớn dần dần phát triển. Đặc biệt hiện nay, Công ty Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Nha Trang đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong Tập đoàn CNTT Việt Nam (Vinashin). Tiền thân, Công ty là một Xí nghiệp ĐT nhỏ, chỉ đóng các loại tàu trọng tải khoảng 500 tấn. Từ khi Xí nghiệp chuyển về Vinashin, hoạt động sản xuất kinh doanh được đầu tư đúng hướng; áp dụng trang thiết bị, công nghệ tiên tiến nên đóng được các loại tàu cỡ lớn. Nhờ đó, Công ty ngày càng nhận được nhiều hợp đồng ĐT có giá trị. Chỉ tính riêng năm 2007, Công ty CNTT Nha Trang đã ký hợp đồng đóng mới nhiều tàu cho 3 công ty lớn (Công ty Cổ phần Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin, Công ty TNHH Đầu tư phát triển CNTT phía Nam, Công ty TNHH Vận tải viễn dương Vinashin). Tổng giá trị các hợp đồng lên tới hàng trăm triệu USD.

Tuy có nhiều lợi thế và đã tiếp cận với công nghệ hiện đại nhưng công nghiệp ĐT Khánh Hòa vẫn chưa tận dụng triệt để tiềm năng. Điển hình là nghề ĐT truyền thống (đóng tàu gỗ) đang dần bị mai một...

Đóng tàu theo công nghệ mới ở Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang.

° Cần thực hiện quyết liệt

Xác định tiềm năng và lợi thế biển, Khánh Hòa đã xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương đến 2015 (có tính đến năm 2020). Trong đó, 9 nhóm ngành công nghiệp được tỉnh chú trọng đầu tư phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Đặc biệt, nhóm công nghiệp ĐT, sản phẩm cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp điện tử được khẩn trương mời gọi đầu tư. Nhóm ngành này có mối liên kết chặt chẽ với nhau; công nghiệp ĐT được triển khai sẽ tạo đà để ngành cơ khí chế tạo, sản xuất sản phẩm điện tử hình thành và phát triển nhanh chóng.

Dựa vào lợi thế biển, tỉnh đã quy hoạch những khu vực có vị trí chiến lược cho phát triển công nghiệp ĐT. Công ty CNTT Nha Trang được đánh giá là đơn vị tiên phong khi xây dựng nhà máy ĐT công suất lớn tại vịnh Cam Ranh. Tại đây, đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy có khả năng đóng mới các loại tàu thủy trọng tải đến 50 ngàn DWT. Bước đi tiên phong này góp phần thu hút thêm nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào công nghiệp ĐT và nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác. Điển hình: Tập đoàn STX (Hàn Quốc) đã được Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng Nhà máy ĐT trọng tải từ 50 đến 400 ngàn DWT; các tập đoàn lớn khác như: Tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc) đã thăm dò để xây dựng nhà máy chế biến thép phục vụ đóng tàu và một số nhu cầu công nghiệp; Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cũng thăm dò để đầu tư nhà máy nhiệt điện cung cấp điện năng cho hoạt động công nghiệp nặng tại địa phương…

Để ngành công nghiệp ĐT thật sự phát triển, Khánh Hòa vẫn còn nhiều việc phải làm. Vấn đề giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án phải được đặt ra. Điều kiện thuận lợi về biển là một trong những yếu tố cốt yếu để xây dựng và phát triển công nghiệp ĐT. Tuy nhiên, sự nhạy bén trong hoạch định chính sách mới là yếu tố then chốt để công nghiệp ĐT ngày càng lớn mạnh. Theo ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công nghiệp: “Muốn hình thành nhanh và đạt kết quả trong kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ĐT, tỉnh cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dự án đầu tư lớn, có sự phối hợp tích cực của các ngành với nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc (từ khâu quy hoạch đến lập dự án đầu tư). Tỉnh cần xem lĩnh vực ĐT là chủ lực để kéo các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển”.

Bên cạnh việc phát triển công nghiệp ĐT theo hướng công nghệ hiện đại, Khánh Hòa cần thúc đẩy phát triển, khuyến khích đóng mới các loại tàu gỗ đánh cá, đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Bởi lẽ, phải cần một khoảng thời gian dài ngư dân mới có điều kiện tiếp cận được các loại tàu có công suất lớn.

HOÀNG TRIỀU