10:03, 06/03/2007

Hướng nuôi trồng thủy sản bền vững

“Sau gần 2 năm nghiên cứu, chúng tôi đã xây dựng thành công 5 mô hình nuôi kết hợp, trong đó, đáng chú ý nhất là mô hình trình diễn nuôi kết hợp ốc hương với cá chẽm...

Nuôi ghép tôm hùm, hải sâm, rong sụn... cho hiệu quả kinh tế cao

“Sau gần 2 năm nghiên cứu, chúng tôi đã xây dựng thành công 5 mô hình nuôi kết hợp, trong đó, đáng chú ý nhất là mô hình trình diễn nuôi kết hợp ốc hương với cá chẽm, hải sâm, rong sụn và vẹm xanh. Với mô hình này, chúng tôi đã thu được hơn 1 tỷ đồng chỉ trên diện tích 0,5 ha mặt nước. Các mô hình còn lại đều cho hiệu quả cao cả về kinh tế lẫn môi trường” - anh Thái Ngọc Chiến, Phòng Nghiên cứu khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NTTS) 3 cho biết.

Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ và mô hình nuôi kết hợp có giá trị xuất khẩu mà ở đó, do đặc tính dinh dưỡng, các loài vật nuôi đều có lợi; nguồn dinh dưỡng trong thủy vực tạo nên một chu trình khép kín giữa các sinh vật, các vật nuôi ghép sử dụng hết lượng thức ăn dư thừa, nhờ đó có thể hạn chế được chất thải và sự ô nhiễm môi trường là mục tiêu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu công nghệ và xây dựng mô hình nuôi kết hợp nhiều đối tượng hải sản trên biển theo hướng bền vững” do anh Chiến làm chủ nhiệm.

Đề tài chọn các đối tượng nuôi ghép có khả năng làm sạch môi trường, ăn mùn bã hữu cơ vừa không tốn chi phí thức ăn và công chăm sóc vừa có tác dụng cải thiện môi trường.

Thu hoạch ốc hương.

Sau khi xác định được tốc độ lọc của vẹm, tốc độ hấp thụ chất dinh dưỡng của rong biển, khả năng ăn lọc của hải sâm và sự đào thải chất dinh dưỡng của vật nuôi, anh Chiến và các cộng sự xác định tỷ lệ thả ghép sao cho tổng hàm lượng dinh dưỡng hấp thụ sẽ bằng lượng dinh dưỡng thải ra của vật nuôi chính. Kết quả thu được rất khả quan: Tất cả đối tượng vật nuôi của 5 mô hình nuôi kết hợp đều sinh trưởng tốt. Cả 5 mô hình nuôi ghép đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi đơn từ 1 đến 2 lần. Lợi nhuận nuôi kết hợp mang lại chủ yếu từ đối tượng nuôi chính. Đó đều là những loài có giá trị kinh tế cao như: Tôm hùm, ốc hương, cá mú, cá chẽm. Ngoài ra, những đối tượng nuôi ghép cũng cho thu nhập đáng kể. Cụ thể: Ở mô hình nuôi ghép cá mú kết hợp rong sụn, vẹm xanh, lợi nhuận thu được ở lồng nuôi ghép tăng 21,23% so với nuôi đơn; với mô hình nuôi ghép tôm hùm kết hợp với vẹm xanh, rong sụn và bào ngư, lợi nhuận thu được ở lồng nuôi ghép tăng 73,63% trong khi giá trị đầu tư chỉ tăng thêm 16,4%, tổng chi phí sản xuất tăng 36,6%; mô hình nuôi ghép tôm hùm với cá chẽm, vẹm xanh, hải sâm và rong sụn cho lợi nhuận ở lồng nuôi ghép tăng 96,12% trong khi giá trị đầu tư chỉ tăng thêm 27,86%, tổng chi phí sản xuất tăng 53,02%; mô hình nuôi ghép ốc hương với rong sụn, vẹm xanh và hải sâm cho lợi nhuận ở lồng ghép tăng 14,51% trong khi giá trị đầu tư chỉ tăng thêm 9,66%, tổng chi phí sản xuất tăng 8,02%; mô hình trình diễn nuôi tổng hợp gồm ốc hương, tôm hùm, cá chẽm, hải sâm, vẹm xanh và rong sụn doanh thu đạt 1,127 tỷ đồng trên diện tích 0,5 ha mặt nước, lợi nhuận đạt gần 400 triệu đồng.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, công nghệ nuôi này có ưu điểm không sử dụng hóa chất trong nuôi trồng vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa thân thiện với môi trường, mở ra hướng NTTS bền vững cho ngư dân.

KHÁNH NINH