Tuy mới làm quen với thẻ tín dụng, nhưng người Việt Nam đã nhanh nhạy nắm bắt lợi ích của công cụ thanh toán, vay mượn này...
Ảnh minh họa. |
Tuy mới làm quen với thẻ tín dụng, nhưng người Việt Nam đã nhanh nhạy nắm bắt lợi ích của công cụ thanh toán, vay mượn này. Từ con số còn khiêm tốn vào giữa năm 2002, số giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng đã vọt lên thành 200 triệu USD trong năm 2006.
Thẻ tín dụng: tiềm năng từ hơn 1 triệu người
Tính vào thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1,2 triệu người tiêu dùng đủ tiêu chuẩn để được cấp thẻ tín dụng (TTD). Ngoài ra có khoảng 10,5 triệu người Việt Nam có đủ điều kiện mở tài khoản ngân hàng và được cấp thẻ ghi nợ (debit card). Theo đơn đặt hàng của Visa International, một trong các nhà khổng lồ kinh doanh TTD, công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen Việt Nam đã tiến hành chương trình thăm dò 1.000 người ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và đưa ra nhận xét trên.
Số 1,2 triệu người này thuộc 714.000 hộ đủ tiêu chuẩn với trung bình 1,7 người là nguồn thu nhập chính trong mỗi hộ, và 40% của tổng thu nhập là lương tháng. Đủ tiêu chuẩn có nghĩa là hoặc có tài sản lớn (gồm khoảng 406.000 hộ) hoặc hộ có điện thoại cố định, điện thoại di động, xe máy giá trị từ 12 triệu đến 24 triệu đồng và các máy móc tiện ích khác, như máy giặt… (gồm khoảng 308.000 hộ).
Theo AC Nielsen, những người này đang nắm giữ tài sản và có khả năng thu nhập của họ sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai. Điều đáng kể là họ vẫn có truyền thống chia sẻ thu nhập của mình với gia đình.
“Quản lý gia đình ở Việt Nam là việc của cả nhà,” ông Chris Morley, giám đốc điều hành AC Nielsen Việt Nam nhận định. Bình quân một người Việt Nam dành 69% thu nhập của mình cho gia đình; dành 20% cho tiết kiệm và chỉ tiêu cho chính mình có 11% của số tiền làm ra.
“Chẳng hạn như tại TP. Hồ Chí Minh, anh chị em của người có thu nhập chính cũng đóng góp vào thu nhập chung của hộ gia đình; tại Hà Nội, bố và mẹ vẫn là nguồn thu nhập chính. Ngoài ra Việt Nam cũng đang thay đổi về cấu trúc truyền thống, bây giờ mỗi hộ có nhiều thành viên có thu nhập hơn. Tuy nhiên chưa thể quên rằng do có đến 61% phụ nữ là nguồn thu nhập chính của gia đình nên người vợ vẫn là người quyết định chi tiêu”.
Và cũng đáng mừng là mức tăng trưởng thu nhập ở Việt Nam ngày càng đi lên cao hơn. Dự báo đến năm 2009 sẽ có khoảng 1/4 dân số có thu nhập hàng tháng trên 7 triệu đồng. Và số người có thu nhập khá này mỗi năm gia tăng về số lượng (năm 2006 là 12%, năm 2007 có thể là 18%).
Tiềm năng của tiền nhựa
“Nắm bắt được những thực tế này, chúng tôi thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng lớn” ông Stuart Tomlison, giám đốc Visa ở các thị trường Việt Nam, Campuchia và Lào phát biểu. Thẻ tín dụng Visa đã bắt đầu được sử dụng ở một số địa điểm tại Việt Nam từ năm 1991. Những thẻ tín dụng Visa đầu tiên được phát hành tại Việt Nam vào năm 1996.
Năm 2005, Visa đã mở văn phòng đại diện và tính đến nay đã phát hành khoảng 160.000 thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ thông qua hợp tác với 17 ngân hàng, gồm cả các ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, Incombank, Agribank, BIDV), các ngân hàng cổ phần (ACB, EAB, VP Bank, VIBank, Sacombank…) lẫn các ngân hàng nước ngoài (ANZ Bank, Bangkok Bank, Citibank. HSBC, UOB).
“Tăng trưởng ở mức 70% một năm và chiếm 68% thị trường chuyên ngành, nhưng Visa ở Việt Nam còn rất nhỏ nếu so với 1,46 tỷ chủ thẻ ở khắp thế giới, trong đó riêng ở châu Á - Thái Bình Dương đã là 300 triệu chủ thẻ,” ông nói. Ông cho biết Visa còn có kế hoạch phát hành nhiều loại thẻ tín dụng khác, chẳng hạn như thẻ trả trước và thẻ dịch vụ chuyên ngành.
“Số thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ quốc tế phát hành ở Việt Nam đang tăng theo cấp số nhân,” ông nhận định. Năm 1996, toàn thị trường Việt Nam mới chỉ có 400.000 chủ thẻ nhưng hết năm 2006 con số này đã thành 3,5 triệu. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng vì thế cũng đã tăng mạnh hơn. Không hề có tăng trưởng đáng kể nào từ 1996 đến nửa đầu năm 2002, nhưng từ nửa sau của năm 2002 đến hết năm 2006, giá trị giao dịch đã tăng vọt lên đến 200 triệu USD.
Theo SGTT