Vân Phong được coi là vùng “biển vàng” của Tổ quốc. Các nhà khoa học nghiên cứu về phát triển kinh tế hàng hải, kinh tế du lịch trong nước và quốc tế đánh giá đây là một vùng biển đẹp...
Trung chuyển dầu trên vịnh Vân Phong. |
Vân Phong được coi là vùng “biển vàng” của Tổ quốc. Các nhà khoa học nghiên cứu về phát triển kinh tế hàng hải, kinh tế du lịch trong nước và quốc tế đánh giá đây là một vùng biển đẹp, giàu tiềm năng phát triển kinh tế cảng biển, dịch vụ - du lịch và nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, Vân Phong được Trung ương quan tâm chỉ đạo tập trung xây dựng thành khu kinh tế (KKT) trọng điểm, tổng hợp đa ngành gồm: cảng trung chuyển quốc tế (TCQT), công nghiệp đóng tàu, du lịch, dịch vụ cảng biển và nuôi trồng thủy sản, trong đó cảng TCQT giữ vai trò chủ đạo gắn với dịch vụ cảng biển và thương mại. Tỉnh Khánh Hòa xác định Vân Phong là một trong 3 khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Song để xây dựng được KKT Vân Phong, ngoài những điều kiện về vị trí địa lý tự nhiên, điều kiện kỹ thuật… thì vấn đề quan trọng là làm sao huy động đủ nguồn vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD xây dựng công trình này trong bối cảnh, điều kiện của một quốc gia còn nghèo như Việt Nam.
Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành hữu quan đã quan tâm hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài vào KKT Vân Phong. Ngày 11-3-2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch KKT vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020. Ngày 25-4-2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của KKT Vân Phong, với những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Ngày 5-5-2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Ngày 24-7-2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 998/2006/QĐ-TTg thành lập Ban quản lý KKT Vân Phong, đã tạo đầy đủ cơ sở pháp lý và địa điểm để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào KKT Vân Phong. Trong đó, Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, Công ty BBG - International Seaport - LLC (Hoa Kỳ) đang tiến hành các thủ tục đầu tư vào KKT Vân Phong với quy mô kinh phí đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD.
Riêng Cục Hàng hải Việt Nam đang có tờ trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng TCQT Vân Phong (giai đoạn khởi động), 2 bến cho tàu chở container có sức chở 6.000 TEU, với tổng vốn đầu tư 3.126,285 tỷ đồng (196,622 triệu USD). Dự án dự kiến thực hiện trong 3 năm, từ năm 2007 đến hết 2009, cảng sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010. Một số dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư và được Chính phủ cấp phép đầu tư vào KKT Vân Phong như: Dự án Tổng kho xăng dầu ngoại quan, dự án Trạm phân phối xi măng của Công ty Xi măng Nghi Sơn tại Khu Công nghiệp Ninh Thủy. Dự án xây dựng Nhà máy đóng tàu cỡ lớn tại khu vực phía Nam vịnh Vân Phong của Tập đoàn STX (Hàn Quốc) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng. Một số dự án lớn đang xúc tiến các thủ tục đầu tư như: Dự án nhiệt điện than, có công suất từ 2.400 - 2.600 MW, với số vốn 3 tỷ USD, do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư; dự án Khu Công nghiệp và đô thị Vạn Thắng với quy mô 264 ha, do Công ty TNHH Shinsojae Enrgy (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư; dự án Khu Du lịch sinh thái Bãi Cát Thắm (276 ha) tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, do Tập đoàn T&M Trans làm chủ đầu tư… Ngoài ra, các dự án đầu tư du lịch của Minexco, Công ty Cổ phần Long Phụng, Công ty Cổ phần Đầu tư Cát Trắng tại các địa điểm thuộc xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh), tỉnh đang hoàn tất thủ tục cấp phép.
Riêng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Phong đang có những bước phát triển mới. Với số vốn 12 tỷ đồng đóng góp của 5 thành viên ban đầu, đã có thêm 2 đơn vị cam kết sẽ tham gia cổ phần vào Công ty, đó là: Tổng Công ty Sông Đà với số vốn đóng góp 65 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Điện Đông Dương Lâm Đồng 22,9 tỷ đồng. Công ty đã được UBND tỉnh cấp phép thực hiện 2 dự án khai thác tận thu khoáng sản đá sản xuất vật liệu xây dựng: một tại thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (7 ha) và dự án thứ hai tại thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (7 ha), để sản xuất các loại đá phục vụ cho các công trình xây dựng tại KKT Vân Phong. Công ty cũng đã được UBND tỉnh thông báo cho phép thực hiện 2 dự án đầu tư du lịch: Khu du lịch sinh thái Bãi Cá Ông tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (diện tích 15 ha), Khu du lịch sinh thái Bãi Tây trên đảo Hòn Lớn (diện tích 8 ha). Hiện nay, Công ty đang xúc tiến thành lập Công ty Cổ phần Du lịch Vân Phong.
Những chuyển động tích cực trong năm 2006 sẽ là tiền đề để KKT Vân Phong phát triển trong năm 2007 và những năm tiếp theo để Vân Phong trở thành cảng biển lớn sánh vai cùng với những cảng biển trong khu vực Singapore, Hong-Kong, vươn cánh tay nối liền với những cảng lớn của châu Âu như Rotterdam (Hà Lan), Hamburg (Đức).
Một mùa Xuân mới lại về - Xuân 2007, cả đất nước quyết tâm vươn ra biển lớn. Hy vọng vịnh Vân Phong sẽ trở thành một KKT cảng biển, dịch vụ - du lịch - thương mại và công nghiệp trong tương lai không xa.
KHÁNH TOÀN