10:02, 20/02/2007

Ngành rau quả với bài toán giá và chất lượng sản phẩm

Rau quả là mặt hàng lợi thế của nước ta, vừa đa dạng vừa phong phú chủng loại. Tuy nhiên, khi gia nhập WTO mặt hàng này sẽ gặp nhiều sức cản lớn ...

Ảnh minh họa.

Rau quả là mặt hàng lợi thế của nước ta, vừa đa dạng vừa phong phú chủng loại. Tuy nhiên, khi gia nhập WTO mặt hàng này sẽ gặp nhiều sức cản lớn do thiếu nguồn nguyên liệu chế biến nên chất lượng hàng hoá thấp, việc tiêu thụ sản phẩm rau quả thường bị động bán giá thấp…

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty rau quả nông sản Việt Nam, thách thức lớn nhất của ngành rau quả khi vào WTO là giá và chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm rau quả của ta đều cao hơn các nước trong khu vực. Ví dụ, giá sầu riêng của Thái Lan 1 USD/kg, trong khi đó của nước ta 2 USD/kg. Các hoa quả khác như xoài, thanh long… chi phí sản xuất của ta rất cao, gấp 2-3 lần so với Thái Lan. Có hai đối thủ lớn mà Việt Nam khó cạnh tranh là Thái Lan và Trung Quốc, bởi họ có nhiều rau quả, chất lượng tốt, giá thành hạ. Nếu không có giải pháp tích cực hơn thì hoa quả Việt Nam “thua ngay trên sân nhà”.

Do tập quán sản xuất quy mô nhỏ, thiếu nguồn nguyên liệu chế biến nên chất lượng hàng hoá thấp và không đồng đều, đặc biệt việc quản lý dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật rất kém. Trong khi thế giới đang tiến tới sản xuất rau quả sạch, rau quả hữu cơ, yêu cầu khắt khe vệ sinh an toàn thực phẩm. Tham gia WTO, Việt Nam mở cửa thị trường, trong đó có thị trường rau quả. Trước hết là cam kết giảm thuế nhập khẩu nông sản, bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia dịch vụ phân phối hàng hoá, trong đó có mặt hàng nông sản và rau quả.

Mặt khác, do thiếu những thông tin, không có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và chủ trang trại nên việc tiêu thụ sản phẩm rau quả thường bị động bán giá thấp. Ông Mai Quốc Thái, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ trang trại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có hơn 700 trang trại, đã tạo ra hàng hoá đáng kể, đóng góp ngân sách và tạo việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, ngành rau quả đã chủ động đầu tư công nghệ, giống mới nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng chiến lược phát triển của ngành. Đầu tư xây dựng mới nâng cấp một số nhà máy chế biến nước quả cô đặc, đồ hộp, rau quả động lạnh, với tổng công suất 100.000 tấn/năm.

Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hiện có công suất chế biến 19.000 tấn/năm, sản phẩm của công ty đã quản lý theo tiêu chuẩn ISO (2000) và HACCP. Ông Trịnh Khắc Kiệm, Phó Giám đốc Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khẳng định, nếu không quản lý theo ISO và HACCP thì nước ngoài không mua sản phẩm vì đây là tiêu chuẩn hoá quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Kiệm, gia nhập WTO Công ty sẽ gặp khó khăn về giá. Bởi hiện nay tất cả các chi phí đầu vào của sản phẩm tăng cao, trong khi đầu ra có xu hướng giảm. Việc chế biến nông sản nhằm mục đích giải quyết đầu ra cho nông dân còn lợi nhuận không nhiều, thậm chí thua lỗ. Đây là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp ngành rau quả trong giai đoạn tới.

Nhằm khắc phục những khó khăn thách thức nêu trên, ngành rau quả đang tích cực cải tiến mẫu mã sản phẩm, giảm cơ cấu nguyên liệu một số mặt hàng; tìm cách nhập khẩu các giống mới có năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, sẽ tăng cường quảng bá thương hiệu thông qua các hội chợ thực phẩm- đồ uống trong nước và quốc tế để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để sản xuất kinh doanh hiệu quả, các địa phương cần sớm quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy

Theo VOV