Hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới được các ngân hàng (NH) trong nước tung ra giới thiệu từ đầu năm 2007 báo hiệu một cuộc cạnh tranh gay gắt về dịch vụ giữa các NH...
Ảnh minh họa. |
Hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới được các ngân hàng (NH) trong nước tung ra giới thiệu từ đầu năm 2007 báo hiệu một cuộc cạnh tranh gay gắt về dịch vụ giữa các NH.
Mở đầu cho cuộc cạnh tranh là NH TMCP Quốc tế (VIB Bank) với dịch vụ xuất nhập khẩu (XNK) từ A đến Z. Đây là một chuỗi các dịch vụ NH, dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ bảo hiểm, thuế, hải quan… được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa VIB Bank cùng đối tác chiến lược là Công ty Kho vận miền Nam. Với dịch vụ này, VIB Bank sẽ cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp (DN) thông tin thị trường về hoạt động XNK, tư vấn các hợp đồng ngoại thương cũng như phương thức thanh toán, cung cấp dịch vụ mở L/C, cấp hạn mức L/C và tài trợ NK với lãi suất ưu đãi, cung cấp dịch vụ bảo lãnh thuế, bao thanh toán… Tiếp đến là NH TMCP Á Châu (ACB). NH này cũng vừa triển khai trên toàn quốc dịch vụ “Quản lý tiền dành cho DN” với 3 nhóm chính: Nhóm dịch vụ quản lý khoản phải thu, nhóm quản lý khoản phải trả và nhóm quản lý thanh khoản. Những DN có số lượng lớn, có hệ thống đại lý phân phối rộng khắp là đối tượng của dịch vụ này. Theo ACB, đây là loại hình dịch vụ trọn gói, giúp DN có điều kiện tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ, khẳng định vị thế của mình trên thương trường. Với dịch vụ này, ACB sẽ giúp DN thu chi tiền mặt, thanh toán hóa đơn, chi hộ lương, hoa hồng, quản lý tài khoản… nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc quản lý nhưng vẫn tăng khả năng sinh lời của nguồn tiền.
Mới đây, NH Công thương đã tăng cường dịch vụ cho thẻ E-Partner. Theo đó, khách hàng có thể gửi tiền từ tài khoản ATM sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn để được hưởng lãi suất cao hơn. Lãnh đạo NH Công thương cho biết, dịch vụ thẻ này đang phát triển rất mạnh mẽ, vì vậy tăng tiện ích cho thẻ là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Một sản phẩm khác cũng được các NH tung ra từ đầu năm 2007 nhưng mang nhiều tên gọi khác nhau như: Tiết kiệm linh hoạt, tiết kiệm hỗn hợp, tiết kiệm đa năng… nhằm đa dạng hóa hình thức huy động. Đây là dạng sản phẩm có đặc tính năng động, đáp ứng nhu cầu rút vốn đột xuất của khách hàng. Khách hàng có thể chủ động trong việc rút trước hạn một phần vốn trong tài khoản nhưng vẫn được hưởng lãi suất… Dự kiến, trong quý I, các NH tiếp tục tung ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới nhưng xu hướng của các NH là cung cấp các dịch vụ trọn gói.
Theo cam kết giữa Việt Nam và các nước thành viên, từ nay đến năm 2010, các NH nước ngoài sẽ được phép thực hiện hầu hết các dịch vụ NH như một NH trong nước. Đây là thách thức lớn đối với các NH trong nước bởi chất lượng dịch vụ của các NH trong nước vẫn chưa theo kịp NH nước ngoài. Nâng cao chất lượng dịch vụ NH là vấn đề sống còn trong cạnh tranh. Vậy phải làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ NH trong nước? Theo ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc Chi nhánh NH Nhà nước tỉnh, các NH cần chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng khai thác dịch vụ, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên; hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và quản lý rủi ro; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Ngoài ra, phải nâng cao tiềm lực tài chính và sức cạnh tranh của các tổ chức cung ứng dịch vụ NH. NH Sài Gòn Thương Tín, ACB, NH Kỹ thương… đã đi trước các NH khác trong việc bán cổ phần cho NH nước ngoài nhằm tăng vốn điều lệ, tăng quy mô hoạt động và quan trọng nhất là học được các kỹ năng, kinh nghiệm quản trị, phát triển dòng sản phẩm dịch vụ, hiện đại hóa công nghệ NH.
NGUYỄN LÊ NGUYÊN