Các chương trình kinh tế biển được khởi động đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài với những dự án xây dựng cảng biển và đầu tư vào các khu kinh tế biển...
Vịnh Vân Phong. |
Các chương trình kinh tế biển được khởi động đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài với những dự án xây dựng cảng biển và đầu tư vào các khu kinh tế biển lên đến nhiều tỉ USD. Trong đó, sôi động nhất là khu kinh tế biển vịnh Vân Phong.
Tất bật đón nhà đầu tư
Sau gần hai năm khảo sát, tìm hiểu, vào những ngày cuối tháng 1-2007, đại diện Tập đoàn Sumitomo đã nộp đơn lên UBND tỉnh Khánh Hòa xin đầu tư hai dự án vào khu kinh tế (KKT) vịnh Vân Phong với qui mô vốn đầu tư gần 4,2 tỉ USD. Sumitomo dự kiến xây dựng nhà máy nhiệt điện than (tổng công suất 2.640MW) trên diện tích 175ha tại thôn Mỹ Giang (Ninh Phước, Ninh Hòa), với số vốn khoảng 4 tỉ USD. Sumitomo cũng sẽ đầu tư xây dựng và khai thác cảng trung chuyển container quốc tế giai đoạn khởi động tại bán đảo Đầm Môn với số vốn 196 triệu USD.
Hiện dự án của STX đã được các bộ liên quan thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung qui hoạch chung của KKT vịnh Vân Phong để cấp phép đầu tư.
Ngoài ra, Công ty TNHH hóa chất SP (Singapore) đã chọn được vị trí tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh để đầu tư thực hiện dự án nhà máy hóa dầu, có công suất khoảng 1 triệu tấn/năm với vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD/hai giai đoạn...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức của Sumitomo cho biết: cả hai dự án trên mới chỉ là giai đoạn 1 của tập đoàn này, nếu mọi việc triển khai thuận lợi trong một năm tới số vốn trên sẽ được tăng gấp ba lần để tập trung đầu tư cho cảng trung chuyển container.
Sau Sumitomo, Tập đoàn thép lớn thứ ba thế giới Posco (Hàn Quốc) - đơn vị đã đầu tư 1,2 tỉ USD để xây dựng nhà máy cán thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu - và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) đã tiến hành khảo sát và xin thuê khoảng 720ha tại Vân Phong để xây dựng dự án Nhà máy thép liên hợp có công suất dự kiến giai đoạn 1 khoảng 4 triệu tấn/năm với vốn đầu tư 4 tỉ USD và giai đoạn 2 là 8 triệu tấn/năm với vốn đầu tư khoảng 7,2 tỉ USD.
Theo ông Võ Lâm Phi - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhiều tập đoàn lớn của thế giới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... liên tục đến đây tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư lâu dài tại KKT Vân Phong. Gần đây nhất, Tập đoàn đa ngành Dubai World (thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đã có bước đi tiền trạm đầu tiên để chuẩn bị cho đợt khảo sát lớn vào tháng 3-2007. Những nhà tỉ phú dầu hỏa cũng đang có ý định đầu tư vào VN hàng tỉ USD cho các dự án xây dựng cảng và Vân Phong đang là một trong những địa điểm lựa chọn hàng đầu của họ.
Cảng trung chuyển hàng đầu của khu vực
Theo quyết định phê duyệt qui hoạch KKT vịnh Vân Phong đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, vịnh Vân Phong sẽ được xây dựng thành “KKT tổng hợp đa ngành, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm: du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác”.
Với chủ trương về mặt qui hoạch, chính sách chung đã được xác định cộng với các yếu tố thiên nhiên ưu đãi, KKT vịnh Vân Phong giờ đây đang trở thành điểm đến cực kỳ hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư. Phó Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Shuji Hirose cho biết, so với cảng trung chuyển của các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia..., vị trí địa lý của Vân Phong tốt hơn rất nhiều do có độ sâu tốt từ 20-27m, kín gió, cửa biển rộng...
Chính vì vậy, nếu làm qui hoạch và chính sách thu hút đầu tư tốt, Vân Phong sẽ là một trong những địa điểm lý tưởng để phát triển trở thành cảng trung chuyển hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.
Theo ông Trần Tấn Phúc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển, đơn vị lập qui hoạch chi tiết cảng Vân Phong, đã có không ít các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... thuộc các lĩnh vực cảng, dịch vụ hàng hải... sau khi tìm hiểu nhiều nơi đã quyết định chọn Vân Phong làm điểm dừng chân cuối cùng do vị trí nơi đây quá thuận lợi.
So với các nơi khác, Vân Phong đang có một lợi thế so sánh rất lớn trong việc kêu gọi thu hút nguồn vốn đầu tư từ trong nước cũng như nước ngoài, vì vậy sẽ rất lãng phí nếu không có những chính sách cũng như các bước đi phù hợp để đón nhận cơ hội này” - ông Phúc nhấn mạnh.
Để Vân Phong thêm hấp dẫn
Tuy nhiên, theo ông Trần Tấn Phúc, để thu hút được nhà đầu tư vào Vân Phong, Nhà nước cần mạnh dạn và nhanh chóng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng gồm điện, đường sá, bến cảng. Thực tế hiện nay đã có không ít nhà đầu tư chưa đổ vốn đầu tư mạnh vì vẫn còn lo ngại về hệ thống cơ sở hạ tầng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Lâm Phi khẳng định việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nơi đây là một trong những việc sẽ thực hiện ngay trong thời gian tới. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh đối với các dự án đang triển khai tại đây, tỉnh Khánh Hòa cùng các bộ ngành liên quan triển khai xây dựng các hồ chứa nước lớn đã được qui hoạch (tại huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh) nhằm cung cấp cho KKT vịnh Vân Phong. Xây dựng hai bến cảng dài trên 800m tại khu vực Bắc Vân Phong.
Mặt khác, tỉnh cũng đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức cùng các thủ tục hành chính... “Với các nhà đầu tư đến đây tìm hiểu chọn địa điểm đầu tư, lãnh đạo tỉnh sẽ bố trí lịch tiếp và tổ chức hướng dẫn giới thiệu nhiều vị trí cho các nhà đầu tư chọn lựa” - ông Võ Lâm Phi khẳng định.
* Theo Ban quản lý KKT vịnh Vân Phong, trên địa bàn KKT vịnh Vân Phong hiện nay đã và đang hình thành 48 dự án (khoảng 50% số dự án là của các nhà đầu tư nước ngoài), với số vốn đăng ký đầu tư dự kiến khoảng trên 7 tỉ USD. Trong đó có 17 dự án đã hoạt động; 19 dự án đang triển khai thực hiện hoặc hoàn chỉnh các thủ tục; 12 dự án mới đăng ký; khảo sát đầu tư... tập trung chủ yếu thuộc các lĩnh vực công nghiệp nặng; khai thác kinh doanh cảng và dịch vụ hàng hải, dịch vụ du lịch…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng Ban quản lý KKT vịnh Vân Phong, nếu Chính phủ quyết định sớm cho đầu tư xây dựng dự án cảng trung chuyển container thì số vốn đăng ký đầu tư dự kiến sẽ tăng 13-15 tỉ USD trong năm 2008.
* Một số dự án đã được cấp phép đầu tư và đang được triển khai thực hiện như: Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong của Công ty cổ phần liên doanh Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong đã được cấp phép xây dựng trên 162ha tại đảo Mỹ Giang (xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa), có tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) là 60 triệu USD để xây dựng kho chứa dầu khoảng 500.000m3 cùng với khả năng tiếp nhận các tàu lên tới 150.000 DWT; dự án Khu công nghiệp và đô thị Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) có diện tích 264ha do Công ty TNHH Shinsojae Energy (Hàn Quốc) đầu tư khoảng 70,7 triệu USD đã được thẩm định thông qua...
Dự án của Công ty TNHH đóng tàu STX tại khu vực 300ha thuộc xã Ninh Hải (huyện Ninh Hòa) đầu tư khoảng 500 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án này có năng lực đóng mới khoảng 15 tàu biển/năm.
Theo VOV