Từ khi tiếp nhận quản lý trực tiếp lưới điện hạ áp nông thôn đến nay, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC) gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo các dịch vụ...
Hệ thống điện ở nông thôn đang từng bước được mở rộng đến những vùng hẻo lánh. |
Từ khi tiếp nhận quản lý trực tiếp lưới điện hạ áp nông thôn đến nay, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC) gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo các dịch vụ trong hoạt động bán điện đến tận hộ dân. Phần lớn những người thuộc các tổ quản lý điện cũ được Công ty hợp đồng lại làm việc không nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo ra nợ đọng nguồn thu tiền điện, gây phiền hà cho khách hàng… Chính vì vậy, đơn vị đã phải sắp xếp lại các tổ quản lý lưới điện nông thôn nhằm nâng cao chất lượng bán điện cho khách hàng.
Trước năm 2004, hoạt động bán điện cho khách hàng ở nông thôn được các xã quản lý. Ngành điện chỉ bán điện tập trung tại công tơ tổng. Tùy khối lượng công việc, xã thành lập tổ quản lý để làm nhiệm vụ lắp đặt, sửa chữa hỏng hóc trên tuyến đường dây địa phương quản lý, ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện. Tuy nhiên, lực lượng này không chuyên nghiệp nên đã có sự bất cập trong quản lý như: mỗi xã bán điện theo một mức giá khác nhau; những người quản lý điện các xã cho người thân sử dụng điện nhưng không lắp công tơ hoặc lắp công tơ không đúng quy định…
Năm 2004, thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng bán điện ở nông thôn, hướng đến áp dụng chung một biểu giá điện thống nhất theo quy định của Chính phủ, KHPC (Điện lực Khánh Hòa trước đây) là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn và ký hợp đồng bán điện trực tiếp với khách hàng. Từ đó, khách hàng nông thôn được hưởng các dịch vụ điện giống như khu vực thành thị… Quá trình thực hiện bán điện hạ áp nông thôn trực tiếp đến khách hàng, KHPC thực hiện mô hình quản lý dịch vụ điện nông thôn của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) ban hành và sử dụng lại hầu hết số lao động từ các tổ quản lý điện cũ nhằm giúp những trường hợp này được tiếp tục làm việc.
Đến thời điểm này, mô hình quản lý điện nông thôn cũ có những điểm trái với các quy định trong kinh doanh điện năng. Việc sắp xếp người ghi chỉ số công tơ kiêm nhiệm thu tiền điện rất dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ; đối với công tác ghi điện, nhiều trường hợp giao nhận sổ ghi điện không đúng lịch làm công tác phát hành hóa đơn bị chậm trễ kéo theo chậm trễ trong nhiều công đoạn kinh doanh. Đặc biệt, công tác quản lý, sửa chữa điện đòi hỏi lao động phải có trình độ chuyên môn và tay nghề, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật an toàn trong công tác quản lý sửa chữa, kiểm tra tình hình sử dụng điện, giải thích những thắc mắc của khách hàng khi cần thiết… Những bất cập trong quản lý lưới điện nông thôn buộc KHPC phải siết chặt lại công tác quản lý.
Rút kinh nghiệm từ những bất cập, KHPC tách rời công tác thu tiền điện và nhiệm vụ ghi chỉ số công tơ. Những người ở các tổ điện trước đây đều được Công ty kiểm tra lại trình độ tay nghề. Người không có chuyên môn được Công ty sắp xếp thu tiền điện theo hình thức cược tiền để ký hợp đồng. Tiền công dịch vụ thu tiền điện được tính khoán theo số lượng hóa đơn thực thu hàng tháng. Những người có trình độ chuyên môn về điện và tay nghề thành thạo, Công ty xét tuyển chọn để thành lập các chốt quản lý điện với nhiệm vụ ghi chỉ số công tơ, sửa chữa điện, kiểm tra tình hình sử dụng điện trên địa bàn… theo sự phân công của các chi nhánh điện. Tiền lương được tính theo hợp đồng và có xét đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo ông Nguyễn Kim Hoàng: “Khi sắp xếp lại các tổ quản lý, Công ty phải tốn khoản kinh phí lớn hơn để chi trả cho người lao động; nhưng đồng thời đòi hỏi người lao động phải có trách nhiệm cao hơn với công việc. Những lao động trong các chốt trực quản lý điện được hưởng các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và cấp phát bảo hộ lao động đầy đủ. Theo định kỳ, Công ty tổ chức kiểm tra nâng bậc, xem xét khả năng hoàn thành nhiệm vụ để có thể tuyển thành công nhân chính thức trong ngành…”.
Việc quản lý từng bước được siết chặt để nâng cao chất lượng bán điện vùng nông thôn. Tuy nhiên từ khi thực hiện cổ phần hóa, KHPC hoạt động độc lập nên việc lựa chọn vị trí xây dựng các chốt quản lý điện nông thôn không dễ dàng. Bởi lẽ, các trạm quản lý còn phụ thuộc vào việc thuê mặt bằng hoạt động.
LÊ HOÀNG TRIỀU