03:10, 09/10/2006

Phát triển thương mại điện tử, siêu thị bán lẻ

Trên địa bàn TP. Nha Trang hiện có khoảng 17.482 hộ có giấy phép đăng ký kinh doanh, tăng 8.420 hộ so với năm 2000. Hoạt động thương mại được phân bố rộng khắp...

Chợ Xóm Mới vừa được đầu tư xây dựng khang trang.

Trên địa bàn TP. Nha Trang hiện có khoảng 17.482 hộ có giấy phép đăng ký kinh doanh, tăng 8.420 hộ so với năm 2000. Hoạt động thương mại được phân bố rộng khắp nhưng phát triển không đồng đều giữa thành thị, nông thôn và hải đảo. Hiện trên địa bàn thành phố có 77 công ty cổ phần, 494 công ty TNHH, 640 doanh nghiệp tư nhân và 135 chi nhánh tham gia hoạt động kinh doanh thương mại.

5 năm qua (2001 - 2005), tỉnh và thành phố đã đầu tư trên 8 tỷ đồng để xây dựng mới các chợ: Xóm Mới, Hòn Rớ, Phước Thái, Vĩnh Hiệp… nâng cấp một số chợ ở các xã phường và hiện đang triển khai đầu tư xây dựng mới chợ Vĩnh Hải với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Nhờ được đầu tư, các chợ từng bước khắc phục tình trạng quá tải, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy. Các khu thương mại trên các tuyến phố chính được đầu tư nên bộ mặt đô thị thêm khang trang. Một số tuyến phố từng bước hình thành phố chuyên doanh như phố xe máy, điện thoại di động (đường Quang Trung), phố trang trí nội thất (đường Thống Nhất), phố dịch vụ ăn uống khách sạn (đường Trần Phú, Biệt Thự…). Hoạt động thương mại đã đóng góp từ 50 - 55% trong tổng nguồn thu ngân sách thành phố, trong đó mức bán lẻ và kinh doanh phục vụ đạt 9.318 tỷ đồng.

Để kinh tế thương mại tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng của thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và giải quyết việc làm, ổn định đời sống và trật tự xã hội, TP. Nha Trang đã xây dựng kế hoạch phát triển thương mại. Theo đó, thành phố tiếp tục nâng cấp, mở rộng các chợ phù hợp với điều kiện, quy mô phát triển từng khu vực và từng địa phương; phối hợp với các cấp, ngành trong lĩnh vực thương mại, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý chuyên ngành, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thương mại của thành phố; khuyến khích phát triển thương mại điện tử, siêu thị bán lẻ; đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các con đường liên thôn, liên xã, thông tin liên lạc… bảo đảm cho nhân dân đi lại mua sắm hàng hóa, thúc đẩy giao lưu hàng hóa giữa các vùng; phát triển thêm các khu thương mại dọc các đường phố sau khi được nâng cấp mở rộng, kết hợp với việc tăng cường công tác kiểm tra, lập hồ sơ quản lý hoạt động kinh doanh thương mại, giải quyết cơ bản tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh trái phép; cho phép một số tuyến đường được kinh doanh trên vỉa hè có ghi vạch chỉ giới, bảo đảm vệ sinh, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển hệ thống siêu thị, khu thương mại, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và dịch vụ thương mại, bảo đảm đúng quy hoạch với số lượng và chất lượng cao nhằm phục vụ tốt nhân dân và du khách. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung hoàn thành Trung tâm thương mại chợ Đầm và khu thương mại Tràng Tiền trên đường Nguyễn Thị Minh Khai; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn xây dựng chợ theo quy hoạch phát triển hệ thống chợ của thành phố.

Thành phố cũng sẽ kiến nghị tỉnh sớm triển khai xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm, hội thảo và khu vui chơi giải trí tổng hợp nằm ở phía Tây hoặc khu vực sân bay Nha Trang, Trung tâm Thương mại Nha Trang ở khu vực sân bay Nha Trang và Siêu thị bán lẻ Nha Trang ở 46 Lê Thánh Tôn.

BÍCH KHUÊ


Hiện nay, toàn thành phố có 23 chợ; trong đó có 2 chợ loại 1, 3 chợ loại 2 và 18 chợ loại 3. So với những năm trước, các chợ không ngừng tăng lên về quy mô đầu tư, và hoạt động theo sự phân cấp quản lý của từng loại chợ. Mỗi chợ đều có nội quy, quy chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được sắp xếp, quy hoạch ngành hàng đảm bảo trật tự văn minh, tạo thuận lợi cho việc mua bán. Hàng hóa cũng được bổ sung đáng kể làm phong phú thêm về chủng loại, mẫu mã.