10:10, 03/10/2006

Ca cao có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Theo ông Nguyên Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban điều phối ca cao Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều công ty kinh doanh ca cao nổi tiếng trên thế giới đã đến thăm dò thị trường...

Cây ca cao được trồng ở Bến Tre

Theo ông Nguyên Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban điều phối ca cao Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều công ty kinh doanh ca cao nổi tiếng trên thế giới đã đến thăm dò thị trường Việt Nam, đây được xem như một tín hiệu đáng mừng cho chương trình phát triển ca cao của Việt Nam.

Ông Hoà cho rằng, các công ty này đã nhìn thấy triển vọng Việt Nam trở thành một nguồn cung cấp ca cao lớn trong tương lai gần, trong bối cảnh thế giới thiếu hụt ca cao, nguồn cung ca cao chủ yếu từ châu Phi, nhưng bất ổn về chính trị ở một số quốc gia cung cấp ca cao lớn ở khu vực này khiến nhà nhập khẩu e ngại.

Gần hai năm trước, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn của Mỹ ở Đồng Nai đã lập trạm thu mua ca cao ở Đắk Lắk sau đó mở tiếp trạm thu mua ở Bến Tre, những địa phương có diện tích trồng ca cao lớn hiện nay ở Việt Nam.

Theo ông Thành, hiện nay sản lượng ca cao Việt Nam mới chỉ đạt vào khoảng 80 tấn, chưa đủ để gọi là hàng hoá xuất khẩu, nhưng vào những năm tới, khi diện tích ca cao được trồng theo chương trình phát triển của Chính phủ triển khai từ năm 2003 bắt đầu cho thu hoạch, có thể đạt sản lượng khoảng 500 tấn để bán ra thị trường thế giới.

Ngoài Cargill Việt Nam, hiện có ít nhất 5 công ty nước ngoài nổi tiếng về kinh doanh ca cao trên thế giới đang chuẩn bị triển khai mua ca cao Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã mạnh dạn đầu tư hàng triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến ca cao. Tất cả đều kỳ vọng vào tương lai của hạt ca cao Việt Nam.

Diện tích ca cao đã phát triển mạnh, từ 1.500ha năm 2004 lên 4.500ha trong năm 2005, ước tính đạt 8.500ha vào cuối năm nay và sẽ lên tới 20.000ha vào năm 2010. Cây ca cao hiện được trồng nhiều tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Lắk và Đắc Nông.

Ở Việt Nam cây ca cao đã có mặt trên vùng đất cao nguyên từ những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ trước, do những chủ đồn điền người Pháp trồng thử nghiệm cùng với cà phê, nhưng do sản lượng ít, thị trường tiêu thụ khó khăn, nên chưa phát triển được thành cây trồng hàng hoá, các vườn ca cao vì thế cũng lụi tàn dần. Đến năm 1998, Cục Khuyến nông, khuyến Lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ) đưa cây ca cao vào dự án cây trồng mới ở Tây Nguyên, bước đầu trồng thử nghiệm 25 ha ở Buôn Ma Thuột đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là khi nhu cầu sử dụng bột ca cao cho sản xuất bánh kẹo tăng cao, thị trường xuất có nhiều triển vọng.

Phát triển cây ca cao cũng là chủ trương phát triển cây công nghiệp ở Việt Nam để phá thế độc canh, đặc biệt là các cây công nghiệp ở khu vực Tây Nguyên. Lâu nay, nhắc đến các loại cây trồng chủ lực ở vùng Tây Nguyên nhiều người đã biết đến cà phê, cao su, hồ tiêu, bông vải, điều - đây là những cây đã giúp hàng vạn hộ nông dân từ hai bàn tay trắng thành tỷ phú, triệu phú, còn cây ca cao lại ít người biết đến.

Theo TTXVN