Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc và thống nhất thuế tiêu thụ đặc biệt giữa xe lắp ráp, sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên...
Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc và thống nhất thuế tiêu thụ đặc biệt giữa xe lắp ráp, sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tiếng nói chung về vấn đề này.
Giá ôtô khó có khả năng giảm. |
“Đây là việc làm bắt buộc trong bối cảnh VN đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung giải thích. Theo ông, mặt hàng ôtô nguyên chiếc hiện được đặt trong Danh mục Loại trừ hoàn toàn (không cắt giảm thuế nhập khẩu) trong biểu thuế ưu đãi thuế quan với các nước ASEAN (CEPT).
Tuy nhiên, quá trình đàm phán với các nước ASEAN vẫn đang diễn ra và các nước này đã yêu cầu VN phải đưa ôtô nguyên chiếc vào danh mục cắt giảm thuế trong thời gian tới. “Bộ Tài chính đang đấu tranh giữ mặt hàng ôtô nguyên chiếc ở danh mục loại trừ hoàn toàn, nhưng khả năng đạt được là khó, bởi không một nước nào trong ASEAN hiện xếp mặt hàng này trong danh mục đó cả”, ông Trung nói.
Điều này một lần nữa buộc Bộ Tài chính phải tính đến các phương án cắt giảm thuế ngay hoặc dần dần theo những cam kết hội nhập. “Hiện chúng tôi kiên trì với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 5 năm. Do vậy, có nhiều khả năng VN phải đưa mặt hàng ôtô nguyên chiếc vào danh mục cắt giảm thuế kể từ năm 2006”, ông Trung tiết lộ.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thì việc cắt giảm và đưa về chung một mức thuế suất giữa ôtô nguyên chiếc và ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia, không phân biệt hàng trong nước và hàng nhập khẩu) không còn là điều “có thể” nữa, mà bắt buộc phải làm trong năm 2006.
Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội xem xét sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định một mức thuế suất chung cho hợp lý. Bộ Tài chính còn đang tính toán mức thuế suất cụ thể, bởi mức thuế hiện hành đối với ôtô từ 7 chỗ trở xuống (80%) là phù hợp với hạ tầng giao thông của VN, nhưng cao hơn so với các nước khác trong ASEAN. "Có khả năng Bộ Tài chính sẽ trình phương án ngang bằng với thuế suất của Indonesia hiện đang quy định (là 50%), do nước này có nhiều điểm tương đồng với VN”, ông Trung giải thích.
Trước động thái trên, ông Trần Quang Thành, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Sản xuất ôtô Hòa Bình (VMC) cho rằng, còn quá sớm để nói tới những khả năng ảnh hưởng đối với ô tô sản xuất trong nước khi những bảo hộ bị dần dỡ bỏ.
“Tất nhiên, động thái này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong nước, nhưng về lý thuyết thì ôtô trong nước vẫn cạnh tranh được, vì vẫn còn sự bảo hộ với tỷ lệ không nhỏ”, ông Thành nhận định.
Ông Thành cho rằng, khả năng cạnh tranh của ôtô trong nước còn phụ thuộc cả vào hoạt động của các nhà nhập khẩu như thế nào và khả năng kiểm soát quy trình nhập khẩu, chống gian lận thương mại, lách thuế… của các cơ quan chức năng ra sao. Bởi thực tế các doanh nghiệp trong nước không đơn thuần là những đơn vị lắp ráp, mà còn nhận được sự bảo hộ của công ty “mẹ” ở nước ngoài qua những chính sách khống chế nhà cung cấp ở từng vùng, lãnh thổ.
“Mỗi nhà cung cấp của hãng có một vùng lãnh thổ riêng, công ty “mẹ” không dễ gì để cho hàng của mình nhập khẩu thoải mái vào thị trường đã có nhà cung cấp chính thức của họ…”, ông Thành nói.
Nhìn nhận vấn đề giá ôtô trong năm 2006, ông Thành cho rằng, về lý thuyết giá sẽ biến động vì thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng ôtô sẽ tăng, trong khi chưa thấy dấu hiệu nào hứa hẹn giá ôtô sẽ giảm.
“Thị phần trong nước vẫn phụ thuộc vào đại đa số xe lắp ráp, còn xe nhập khẩu nguyên chiếc nếu có tìm cách hạ chi phí bằng những thủ đoạn gian lận thương mại thì lại phải chịu những chi phí tiêu cực khác. Chính vì vậy, khả năng xe nhập khẩu nguyên chiếc lấn lướt xe trong nước vẫn khó xảy ra”, ông Thành nhận định.
Theo Đầu Tư