Hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Khánh Hòa đang có những chuyển biến tích cực. Nhiều người dân sẽ có cơ hội xóa đói giảm nghèo khi đi lao động tại nước ngoài.
NLĐ được cung cấp thông tin cần thiết tại các buổi tư vấn XKLĐ. |
Hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Khánh Hòa đang có những chuyển biến tích cực. Nhiều người dân sẽ có cơ hội xóa đói giảm nghèo khi đi lao động tại nước ngoài.
° Đang khởi sắc
Ở Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, trong 734 lượt người được tư vấn về XKLĐ có 138 người dự tuyển, trong đó 105 người đã trúng tuyển, so với cùng kỳ năm 2004 là 26 người đăng ký trúng tuyển. Trong số này, hiện 21 người đã sang Malaysia làm việc, dự kiến đến cuối tháng 6 có thêm 40 người nữa và đến hết tháng 8 toàn bộ số trúng tuyển sẽ sang Malaysia theo hợp đồng với các công ty hoạt động XKLĐ.
Theo ông Hồ Viết Tiến Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hoạt động XKLĐ khởi sắc là nhờ từ đầu năm đến nay, những thông tin về XKLĐ thu hút được sự quan tâm của người dân nhiều hơn. Do người lao động (NLĐ) nắm được thông tin chính thức về các thị trường XKLĐ, đặc biệt là những thông tin tích cực đã khiến họ an tâm hơn với sự lựa chọn của mình. Mặt khác, một số người sang lao động ở nước ngoài đã có thu nhập, tích lũy gửi về cho người thân ở quê nhà, giúp họ có động lực để mạnh dạn đăng ký dự tuyển.
° Vẫn là Malaysia
Cũng như mấy năm trước, tất cả 105 người trúng tuyển từ đầu năm đến nay đều đăng ký đi lao động có thời hạn tại Malaysia, nước được đánh giá là thị trường lao động rất có tiềm năng với nhu cầu tuyển dụng lớn, điều kiện tuyển dụng dễ dàng, ngành nghề khá đa dạng. Malaysia có nhu cầu tuyển dụng trên 1,5 triệu lao động nước ngoài. Thị trường lao động Malaysia được đánh giá là khá “dễ chịu”. Đối tác này thường đưa ra điều kiện tuyển dụng không cao, chủ yếu là tuổi từ 18 đến 35, đủ sức khỏe, học vấn phổ thông cơ sở trở lên, phù hợp với đa số lao động nông thôn hiện nay. Malaysia vừa có đợt truy quét người cư trú bất hợp pháp, ước hơn 400 ngàn lao động (chủ yếu là Indonesia) phải về nước, chỗ trống này là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam. Khánh Hòa hiện là địa phương chưa có trường hợp NLĐ “vượt rào” vi phạm hợp đồng với đối tác. Những thị trường “chất lượng cao” như Nhật Bản, Hàn Quốc tuy có nhu cầu nhưng điều kiện tuyển dụng tương đối cao và khắt khe nên phần lớn NLĐ vẫn chưa đáp ứng được. Theo ông Sơn, trong thời gian tới, Malaysia vẫn là sự lựa chọn số một. Bên cạnh đó, về lâu dài, Trung tâm đang có hướng tiếp cận các thị trường “cao cấp” hơn như Nhật Bản, còn hiện tại nếu NLĐ có nhu cầu và khả năng đáp ứng được thị trường này thì có thể liên hệ trực tiếp với các công ty có chức năng XKLĐ tại TP. Hồ Chí Minh.
° Cơ hội xóa đói giảm nghèo
Hiện nay, bình quân thu nhập của NLĐ tại Malaysia là 3 triệu đồng/tháng. Tuy không cao nhưng sau vài năm, mỗi lao động cũng có thể tích lũy được vài chục triệu đồng làm vốn. Số tiền ấy có thể giúp bản thân và gia đình họ thoát đói nghèo, nâng cao điều kiện sống hoặc sử dụng làm vốn kinh doanh vừa và nhỏ. Những kinh nghiệm và tác phong lao động công nghiệp được học hỏi, rèn luyện trong thời gian lao động ở nước ngoài sẽ giúp họ có cơ hội cao hơn khi trở về dự tuyển vào các cơ sở sản xuất trong nước. Cơ cấu ngành nghề lao động của Malaysia khá đa dạng, cho phép NLĐ có nhiều khả năng lựa chọn. “Riêng với Khánh Hòa, Trung tâm chủ yếu tư vấn cho NLĐ lựa chọn một số ngành nghề khi trở lại địa phương có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ngay tại tỉnh như: Cơ khí, điện tử, sản xuất thiết bị văn phòng…” - ông Sơn cho biết.
So với cả nước, số người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài của Khánh Hòa còn rất ít. Điều này chứng tỏ hoạt động XKLĐ của địa phương còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ông Sơn đưa ra các nguyên nhân như thông tin về XKLĐ còn thiếu, thủ tục vay vốn còn gặp khó khăn, việc khám sức khỏe chưa thuận lợi. Kênh thông tin đầu vào, hiện Trung tâm chủ yếu khai thác thông tin qua các công ty có chức năng XKLĐ; còn kênh thông tin đầu ra, tuy có nhiều cố gắng nhưng việc thông tin thường xuyên đến người dân nhất là vùng sâu, vùng xa còn chưa đạt yêu cầu. Tuy Nhà nước đã có chính sách cho vay không cần thế chấp đối với đối tượng XKLĐ nhưng trong thực tế ngân hàng “ngại” cho vay với đối tượng nghèo. Theo Thông tư liên tịch số 10/2004/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BTC ngày 16-12-2004 của Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính thì Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa là một trong 45 bệnh viện Trung ương và địa phương (đợt 1) đủ các điều kiện khám và chứng nhận sức khỏe cho NLĐ đi nước ngoài nhưng thực tế, theo yêu cầu của các công ty XKLĐ, NLĐ phải vào TP. Hồ Chí Minh để khám sức khỏe, gây phiền hà và tốn kém.
Để XKLĐ đạt hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì những khó khăn về chính sách như vay vốn phải kịp thời tháo gỡ, NLĐ cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn từ khi làm thủ tục XKLĐ đến khi trở về tiếp tục lao động sản xuất tại địa phương.
KHÁNH NINH