02:06, 30/06/2005

Tự chủ và năng động

Được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, những năm qua, ngành Du lịch - Thương mại Khánh Hòa đã có những bước chuyển biến rõ rệt, tự chủ...

Đón khách du lịch bằng tàu biển - Một tiềm năng của du lịch Khánh Hòa.

Được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, những năm qua, ngành Du lịch - Thương mại Khánh Hòa đã có những bước chuyển biến rõ rệt, tự chủ và năng động hơn trong công tác quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực: thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, thương mại phục vụ miền núi, kinh doanh dịch vụ du lịch, quản lý thị trường… và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực. Trong lĩnh vực du lịch cũng như lĩnh vực thương mại, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của ngành đều có tỷ lệ tăng bình quân khá cao.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 14 về phát triển thương mại giai đoạn 2001 - 2005, hoạt động kinh doanh thương mại nội địa ngày càng phát triển sôi động, tạo nên một thị trường thông thoáng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia kinh doanh thương mại cùng trên 23.000 hộ kinh doanh cá thể. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong 5 năm 1999 - 2003 tăng bình quân 14,2%/năm, năm 2005 tăng gần gấp 2 lần so với năm 2000. Hoạt động xuất khẩu có những bước tiến vững chắc, đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh trong 5 năm (2001 - 2005) ước đạt 1,584 tỷ USD (trong đó xuất khẩu địa phương đạt 1,374 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 18,5%. Nhóm ngành hàng xuất khẩu tương đối ổn định trong những năm gần đây là thủy sản (chiếm tỷ trọng trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu địa phương), chế biến hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lâm sản, song mây, dịch vụ đóng và sửa chữa tàu biển, hàng nông sản, khoáng sản và hàng may mặc. Thị trường xuất khẩu trong 5 năm qua đã giữ vững và mở rộng đến 54 nước và khu vực trên thế giới. Tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh 5 năm qua ước đạt 684 triệu USD. Tốc độ tăng bình quân là 8,5%. Chủ yếu là nhập khẩu máy móc thiết bị để đầu tư đổi mới công nghệ và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến tại địa phương chiếm tỷ trọng trên 97% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Hoạt động du lịch cũng có những bước phát triển vững chắc. Tính đến năm 2004, sau 4 năm thực hiện chương trình phát triển du lịch (2001 - 2005), hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch 5 năm. Tổng doanh thu tăng 50%, lượt khách lưu trú tăng 11,6%; tổng số phòng tăng 28%, tổng số giường tăng 51,8%; tổng số lao động trong toàn ngành tăng 20,4%. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 18% - so với kế hoạch tăng 3,6%. Toàn tỉnh có 589 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, tăng gấp 4 lần so với năm 2000. Tổng số cơ sở kinh doanh lưu trú hiện nay là 273 cơ sở với 6.030 phòng, 15.578 giường. Tổng số khách sạn (KS) đã được Sở Du lịch - Thương mại tổ chức thẩm định, phân loại xếp hạng tính đến nay là 197. Trong đó có 1 KS 5 sao, 3 KS 4 sao, 5 KS 3 sao, 21 KS 2 sao, 81 KS 1 sao và 86 KS đạt tiêu chuẩn tối thiểu. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2001 - 2005 là 1.622 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 192 tỷ. Tính đến cuối năm 2004, tổng vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực du lịch toàn tỉnh đạt gần 1.500 tỷ đồng; trong đó đã thực hiện trên 993 tỷ đồng, đạt 67,2%. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch có quy mô lớn và chất lượng cao đạt tiêu chuẩn 5 sao đã được đưa vào hoạt động như khu du lịch Hòn Ngọc Việt, KS Sunrise, khu du lịch sinh thái Evason Hideaway At Mandara (xã Ninh Vân - Ninh Hòa). Các khu du lịch có quy mô lớn khác cũng đang khẩn trương xây dựng như khu du lịch Sông Lô, Rusalka… Những đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch tiêu biểu trong 5 năm qua là KS Yasaka-Saigon-Nhatrang, Công ty Du lịch Khánh Hòa, KS Quê Hương, Khu nghỉ mát Ana Mandara, khu du lịch Hòn Tằm, Dốc Lết và Trung tâm Suối khoáng nóng Tháp Bà…

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, các phong trào thi đua của ngành thật sự mang tính quần chúng rộng rãi, có nội dung thiết thực và mang lại hiệu quả rõ rệt; có tác dụng cổ vũ lực lượng cán bộ - CNV trong ngành phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết phối hợp, tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện những nhân tố mới, những gương điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu áp dụng thực tiễn, phát triển nguồn nhân lực, quản lý Nhà nước… và qua 5 năm phấn đấu liên tục, ngành Du lịch - Thương mại đã vinh dự được Chính phủ, Tổng cục Du lịch, Bộ Thương mại, Tỉnh ủy, UBND tỉnh… khen tặng nhiều danh hiệu thi đua; năm 2004 được Thủ tướng tặng cờ thi đua.

BÍCH KHUÊ