03:06, 22/06/2005

Khách hàng chưa thật sự tiết kiệm điện

Kể từ khi có Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc “Tiết kiệm sử dụng điện trong mùa khô năm 2005”, đa số các doanh nghiệp (DN)...

Trong mùa khô, Công ty Môi trường đô thị Nha Trang đã bật điện chiếu sáng muộn hơn và tắt sớm hơn.

Kể từ khi có Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc “Tiết kiệm sử dụng điện trong mùa khô năm 2005”, đa số các doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất có sử dụng năng lượng điện đã tự giác chấp hành. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ kinh doanh cá thể và một số DN hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng tiêu dùng, hàng gia dụng vẫn chưa có ý thức tiết kiệm điện (TKĐ).

Nhìn chung, tất cả các DN và cơ sở sản xuất hoạt động có liên quan đến điện năng đều đã TKĐ. Bởi các đơn vị đều biết: khi đăng ký sản xuất kinh doanh chính bằng nguồn điện thì đều được ngành điện lắp công tơ 3 giá. Đây là loại công tơ điện tử giúp ngành điện kiểm tra dễ dàng hơn khi DN hoạt động sản xuất trong các khung thời gian: giờ cao điểm hoặc bình thường để có mức thu tiền điện theo quy định. Do vậy, khi hoạt động vào giờ cao điểm, các DN phải tính toán rất chi tiết giá trị lợi nhuận mới quyết định có nên sản xuất vào giờ cao điểm hay không; vì giá tiền điện cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm… Là một đơn vị sử dụng điện năng lớn để sản xuất, Công ty Cổ phần Phụ liệu may Nha Trang đã rất chú trọng đến việc TKĐ ở những khu vực không cần thiết nhằm hạn chế đến mức tối đa chi phí về điện. Ông Huỳnh Văn Tốt (nhân viên Phòng Kinh doanh của Công ty) cho biết: Việc TKĐ được đơn vị đặt lên hàng đầu và thực hiện thường xuyên. Kể cả ban ngày hoặc đêm, đơn vị đều hạn chế tối đa việc sử dụng những thiết bị điện không cần thiết. Các thiết bị điện như: quạt, đèn chiếu sáng… đều được đơn vị hạn chế sử dụng; đặc biệt là vào những giờ cao điểm ban đêm, đơn vị cũng chỉ sản xuất trong chừng mực cho phép… Còn ở Công ty Môi trường đô thị Nha Trang - đơn vị sử dụng rất nhiều điện để chiếu sáng công cộng, điện quảng cáo trên các đèn trang trí, bảng chữ, nhất là Nha Trang đang vào mùa du lịch, mở thêm nhiều mô hình đèn trang trí để thu hút khách là cần thiết, nhưng đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch TKĐ hợp lý. Từ ngày 5-5-2005 đến nay, đơn vị đã tắt hoàn toàn hệ thống đèn trang trí, cho bật đèn chiếu sáng muộn hơn 15 phút và tắt sớm hơn 15 phút để hạn chế tiêu thụ điện và giảm nguồn kinh phí phải trả cho ngành điện. Theo ông Lương Khánh Thuận - Giám đốc Công ty: “Thực hiện TKĐ, ban đầu đơn vị có tính đến chuyện chỉ mở xen kẽ 50% số đèn, nhưng làm như vậy phải có sự đồng ý của tỉnh và phải có kinh phí khoảng 100 triệu đồng để gắn thiết bị. Việc này, đơn vị đã có tờ trình gửi UBND TP. Nha Trang từ tháng 4-2004 nhưng chưa được giải quyết. Hiện nay, thực hiện Chỉ thị của tỉnh, đơn vị đã cho giảm thời gian chiếu sáng điện công cộng 30 phút; và đang tiếp tục trình phương án từ 22 giờ sẽ chiếu sáng xen kẽ 50% số lượng đèn hiện có. Nếu làm được như vậy sẽ giảm được khoảng 1/3 lượng điện tiêu thụ”. Trên thực tế, hàng năm, Công ty phải chi trả tiền điện chiếu sáng công cộng từ 5 - 6 tỷ đồng. Và trong thời gian tới, Công ty sẽ phải tiêu thụ điện nhiều hơn khi TP. Nha Trang được mở rộng thêm nhiều khu vực cần sử dụng điện công ích. Theo tính toán, chỉ mới hạn chế 30 phút bật điện chiếu sáng công cộng, Công ty đã tiết kiệm được cho Nhà nước gần 24 triệu đồng/tháng. Ông Thuận cho biết thêm: Ngay tại đơn vị, ban lãnh đạo cũng đã quán triệt cho cán bộ, công nhân viên TKĐ như: không sử dụng bếp điện, ban ngày không bật điện, trừ những nơi cần thiết chỉ mở điện phù hợp với số người và diện tích phòng… Hầu như trong các cơ quan, công sở, việc thực hiện TKĐ đã thành nếp. Vì hiện nay, nhiều cơ quan, DN đã thực hiện khoán kinh phí để nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và chống lãng phí.

Điều đáng lo ngại hiện nay vẫn là các hộ kinh doanh cá thể và một số DN hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đang còn sử dụng điện vô tội vạ. Dẫu rằng, mọi người vẫn biết sử dụng nhiều điện đồng nghĩa với tự trả số tiền điện nhiều hơn, nhưng mọi người vẫn cho rằng: mình có tiền thì mua điện sử dụng, miễn sao không nợ là được. Thực chất, số tiền điện tăng cũng không thấm tháp gì so với chuyện kinh doanh. Bởi lẽ, đây là những hộ kinh doanh nhỏ, không trực tiếp tiêu thụ điện để làm ra sản phẩm nên ngành điện không thực hiện lắp công tơ 3 giá mà chỉ dùng công tơ thường; do vậy cho dù chỉ số công tơ có tăng nhưng số tiền sử dụng vượt được tính cũng không đáng kể…

Mỗi ngày vào giờ cao điểm, Điện lực Khánh Hòa cấp điện với công suất 125 MW, sản lượng tiêu thụ từ 2,3 - 2,4 triệu kW/h. Với việc sử dụng lượng điện lớn như trên, nếu mỗi gia đình, mỗi đơn vị sản xuất chú trọng sử dụng loại bóng đèn TKĐ sẽ giảm được 10W/đèn (dùng loại đèn 36W và tăng phô 6W); đó là chưa kể nếu tắt mỗi bóng đèn sẽ tiết kiệm được 52W. Như vậy nếu mỗi người dân đều có ý thức thực hiện thì sản lượng điện được tiết kiệm sẽ rất lớn.

L.H.T