03:06, 22/06/2005

Dịch vụ ngân hàng khi hội nhập

Hiện nay ở Việt Nam có 4 ngân hàng liên doanh và 27 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Giai đoạn từ nay đến năm 2008, cũng như sau thời điểm đó, số lượng ngân hàng nước ngoài...

Ảnh minh họa.

Hiện nay ở Việt Nam có 4 ngân hàng liên doanh và 27 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Giai đoạn từ nay đến năm 2008, cũng như sau thời điểm đó, số lượng ngân hàng nước ngoài, định chế tài chính có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ở Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên. Chi phí hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như ngân hàng liên doanh rất cao, do đó phí dịch vụ của họ rất cao. Trong khi đó, hiện nay Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chỉ thu phí tối thiểu là 100.000 đồng/lần đầu phát hành thẻ ATM. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước đây chỉ thu phí 50.000 đồng/thẻ, hiện nay đang miễn phí. Đó là ưu thế của các ngân hàng thương mại trong nước.

Mức quy định số dư tối thiểu tài khoản tiền gửi cá nhân, tài khoản sử dụng thẻ của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại ở nước ta. Ví dụ như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam quy định mức tối thiểu số dư chỉ có 100.000 đồng/tài khoản sử dụng thẻ ATM, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là 50.000 đồng; trong khi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh là từ 100 USD đến 1000 USD, nếu số dư thấp hơn số đó khách hàng còn bị phạt. Các chi nhánh ngân hàng của Anh, Mỹ, Đức, Nhật… khó có thể có đủ bộ máy nhân viên cũng như chịu chấp nhận chi phí lớn khi làm dịch vụ chi trả lương miễn phí cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tới hàng trăm công nhân, thậm chí hàng nghìn công nhân như các ngân hàng thương mại Việt Nam đang làm hiện nay. Bởi vậy đây là lợi thế các ngân hàng thương mại Việt Nam có được hơn hẳn các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài đã và sẽ đến Việt Nam.

Thế mạnh trong cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại tới đây của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về đối tượng khách hàng vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp, công ty, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam có thu nhập cao. Chủng loại dịch vụ thuộc về thế mạnh cũng như sự tập trung của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, đó là các dịch vụ ngân hàng quốc tế. Đây chính là những thách thức đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian tới.

Để chủ động nâng cao sức cạnh tranh, trong các năm gần đây, đặc biệt từ cuối năm 2003, trong năm 2004 và 4 tháng đầu năm 2005, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ, đào tạo cán bộ, quảng cáo và tiếp thị. Đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục tung ra các sản phẩm mới về dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại, nhằm vào các đối tượng khách hàng cá nhân, một mặt tăng thu phí dịch vụ, mặt khác thu hút tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp của khách hàng vào hệ thống ngân hàng. Đây là các bước tiến quan trọng đối với hệ thống ngân hàng nước ta trong quá trình hội nhập và chấp nhận cạnh tranh mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Nhiều ngân hàng thương mại còn mạnh dạn đầu tư cho nghiệp vụ thẻ, nhất là mua sắm máy móc thiết bị các loại. Đây là khoản đầu tư ban đầu cho phát triển dịch vụ thẻ trong tương lai, làm cho khách hàng quen dần với tiện ích này. Tuy nhiên, số vốn đầu tư cho trang bị hệ thống máy ATM rất tốn kém, bình quân mỗi máy có giá từ 30.000 USD – 35.000 USD. Bên cạnh đó là chi phí bảo dưỡng khoảng 10% giá trị máy mỗi năm; chi phí thuê địa điểm đặt máy bình quân từ 1,6 triệu đồng đến 5,0 triệu đồng/tháng tuỳ theo địa điểm và diện tích. Kèm theo đó là chi phí bảo vệ hay chi phí cho lắp đặt camera, chi phí phần mềm, chi phí cước bưu chính viễn thông, chi phí vận chuyển tiền hàng ngày hay định kỳ để nạp vào máy… Số vốn đó phải sử dụng trong vốn điều lệ theo tỷ lệ khống chế là không được đầu tư quá 50% vào tài sản cố định.

Bởi vậy có lẽ, hiện nay mới chỉ có Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là có lãi trong nghiệp vụ thẻ, còn các ngân hàng thương mại khác đều bị thua lỗ. Những giải pháp phát triển dịch vụ, mới chỉ là các việc làm đơn lẻ của từng ngân hàng thương mại. Còn chương trình hợp tác giữa các ngân hàng thì tiến triển rất chậm.

Những vấn đề nêu trên mới là những thách thức lớn trong cạnh tranh phát triển dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam, cần có những giải pháp tích cực.

Theo VOV