Trong số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU thì giày dép là mặt hàng chủ lực có kim ngạch lớn nhất. Đây là thị trường tiềm năng với dân số gần 400 triệu, mức sống cao và nhu cầu...
Trong số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU thì giày dép là mặt hàng chủ lực có kim ngạch lớn nhất. Đây là thị trường tiềm năng với dân số gần 400 triệu, mức sống cao và nhu cầu tiêu thụ giày dép lớn, song cũng là thị trường có đòi hỏi rất cao về mặt chất lượng cũng như mẫu mã. Tiếp đến là dệt may, ngành có tiềm năng xuất khẩu lớn thứ hai trong số các mặt hàng công nghiệp chế biến trong nước. Nhưng khi EU dỡ bỏ hạn ngạch hoàn toàn cho hàng dệt may thì quý I năm nay, mặt hàng này của Việt Nam sang EU chỉ tăng 2,9% - thấp nhất trong những năm gần đây và là thấp nhất trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Về điều này, ông Phạm Văn Minh - Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Thương mại nhận định: “EU đã được mở cửa hơn bao giờ hết đối với hàng dệt may Việt Nam nhưng nghịch lý là hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam lại giảm vì sức cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam quá thấp. Điều này cũng phản ánh trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam, khả năng tiếp cận hàng hóa của Việt Nam và hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam. Ngoài ra, giá dầu của thế giới tăng nhanh làm cho cước vận tải từ Việt Nam sang châu Âu tăng từ 30% đến 60%. Bên cạnh đó, thị trường Liên minh châu Âu là thị trường mở nhưng đã được phân chia, tính cạnh tranh rất cao".
EU là thị trường mở nhưng hầu như đã được phân chia. Để sản phẩm Việt Nam đứng vững và mở rộng thị phần ở thị trường này, các doanh nghiệp không những phải chú trọng đến nâng cao chất lượng, đến giá thành mà còn cần chú ý cả về cơ cấu sản phẩm. Bà Huỳnh Thị Mân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ba Lan nhận xét: "Chúng ta phải tự có những chuyển biến, làm sao nâng cao chất lượng mặt hàng của mình. Phải mở rộng mặt hàng, không chỉ quẩn quanh trong các lĩnh vực nông sản, quần áo, giày dép… Phải đưa được nhóm hàng có chất lượng cao, có công nghệ cao vào hệ thống siêu thị của Ba Lan thì mới tăng được kim ngạch xuất khẩu vào nước này".
Ông Nguyễn Hữu Anh - Tham tán thương mại tại Anh cho biết: thị trường Anh không chỉ khó tính mà việc thay đổi tư duy khách hàng là điều không dễ dàng. Họ đã sử dụng mặt hàng nào đó mà lại đổi sang nhà cung cấp khác là điều không dễ. Một ví dụ: nước mắm Việt Nam khi xuất khẩu sang Anh lại qua nhà cung cấp Thái Lan. Nếu chúng ta muốn xuất khẩu thẳng sang Anh, đổi nhãn hiệu khác thì người tiêu dùng Anh không sử dụng. Vì vậy ông Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh khuyến cáo các doanh nghiệp phải tăng cường xúc tiến thương mại tại thị trường này để khách hàng quen với sản phẩm Việt Nam. "Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận thị trường nên tham gia các hội chợ và tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại để nắm bắt nhu cầu của thị trường, sản xuất theo cái mà họ yêu cầu".
Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đang chuyển sang một thời kỳ mới gắn liền với những chuyển biến kinh tế của hai phía. Triển vọng của mối quan hệ này phụ thuộc đường lối, chính sách và những định hướng dài hạn trong chính sách thị trường, những phương sách cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU. Nhưng điều mấu chốt vẫn ở sự vận động của từng doanh nghiệp, ở chiến lược sản xuất, xuất khẩu cũng như xúc tiến thương mại. Nếu không có sự chuyển biến trong những đòi hỏi trên thì sự xâm nhập hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU sẽ ngày càng khó khăn.
Theo VOV