Qua số liệu kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp xe máy trong nước, Bộ Công nghiệp đánh giá: 11 doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh, 24 doanh nghiệp có khả năng...
Qua số liệu kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp xe máy trong nước, Bộ Công nghiệp đánh giá: 11 doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh, 24 doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu và 10 doanh nghiệp có khả năng bị giải thể. Dự báo đến cuối năm 2005 sẽ chỉ còn khoảng 10 doanh nghiệp tồn tại ở ngành hàng này.
Tính đến tháng 12-2003, toàn ngành có 52 doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp xe máy, trong đó có 22 doanh nghiệp quốc doanh, 23 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI. Sự phát triển khá nhanh dẫn đến công tác quản lý nhà nước về nhiều mặt không theo kịp, không kiểm soát được cung cầu, chất lượng sản phẩm. Do đó, xe sản xuất ra chủ yếu cho thị trường trong nước. Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào, mục tiêu xuất khẩu là khá khó khăn.
Dự kiến, trong năm 2005, Việt Nam sẽ xuất khẩu tương đương 80 - 100 nghìn xe; đến năm 2010, tương đương 450 - 500 nghìn xe. Song theo nhận định của một số chuyên gia, mục tiêu đó, cụ thể là của năm 2005, rất khó thực hiện. Khó khăn chính là ở vấn đề thiết kế và kiểu dáng. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chủ yếu sao chép mẫu mã.
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho biết, để thiết kế một mẫu xe phải mất không dưới 1 triệu USD. Con số đó đối với nhiều doanh nghiệp là khá lớn. Để khắc phục khó khăn này, Hiệp hội xe máy - xe đạp Việt Nam đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ thành lập một trung tâm thiết kế, chế tạo hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã đồng ý và chỉ đạo các ban ngành liên quan triển khai. Đây là một tín hiệu khả quan trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Trong quá trình phát triển, dự báo từ năm 2010 đến 2020, nhu cầu thị trường nội địa bão hòa, các doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu với mức 2 triệu chiếc/năm. Đây thực sự là một bài toán hóc búa.
Theo TBKT