Từ khi Chương trình 135 (chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các xã đặc biệt khó khăn) và Dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng...
Công trình chợ Sơn Bình được huyện giao cho xã làm chủ đầu tư. |
Từ khi Chương trình 135 (chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các xã đặc biệt khó khăn) và Dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng (HTCSNTDVCĐ) được triển khai tại huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn đã từng bước thay da đổi thịt. Với chủ trương giao cấp xã làm chủ đầu tư các dự án nhỏ, năng lực quản lý của cán bộ xã ngày càng được hoàn thiện, đời sống nhân dân được nâng lên.
Hiện nay, Khánh Sơn có 5 xã đặc biệt khó khăn được hưởng Chương trình 135 gồm: Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Thành Sơn và Ba Cụm Nam. Nhiều năm qua, khi Chương trình 135 được thực hiện, địa phương đã tuyên truyền, giải thích cho các tầng lớp nhân dân gắn chặt quyền lợi, trách nhiệm của mình với các công trình cộng đồng. Với mục tiêu huy động cao nhất nguồn lực địa phương, thực hiện dự án đúng đối tượng, đúng mục đích, cấp xã thông báo rộng rãi cho người dân tự lựa chọn và giám sát các công trình để phục vụ lợi ích nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, địa phương cũng tạo điều kiện thu hút nguồn lao động, giúp bà con có thêm thu nhập nên ngày càng được người dân chú trọng.
Nhằm tăng thêm năng lực quản lý, điều hành của cán bộ xã, UBND huyện đã từng bước mạnh dạn giao cho cấp xã làm chủ đầu tư các dự án trong Chương trình 135. Đây là trọng trách mới đối với các xã đặc biệt khó khăn. Bởi lẽ, cán bộ quản lý cấp xã ở một góc độ nào đó vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong việc lập dự án, điều hành dự án. Để khắc phục điểm này, huyện đã thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật giúp trực tiếp Ban quản lý dự án ở các xã, hướng dẫn trình tự thủ tục xây dựng cơ bản nhằm tạo điều kiện cho cán bộ xã có thêm kinh nghiệm. Lần đầu tiên, 2 xã Sơn Lâm và Sơn Bình được huyện chọn giao làm chủ đầu tư thí điểm một số dự án từ đường dân sinh đến xây dựng chợ. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các xã đã bước đầu thực hiện đúng những quy định về quản lý đầu tư, đúng công trình. Theo đánh giá của UBND huyện Khánh Sơn, Sơn Bình là xã thực hiện tốt từ khâu họp dân đến chọn công trình, lập dự án, quản lý, giám sát, nghiệm thu công trình. Năm 2004, Sơn Bình đã hoàn thành đúng tiến độ đường dân sinh vào thôn Cô Lắc và công trình chợ Sơn Bình. Các công trình xây dựng xong đều sử dụng có hiệu quả. Chị Bo Bo Thị Liên (xóm 10, thôn 3 - Sơn Bình) cho biết: “Nhờ Chương trình 135 mà người dân có thể tự đề xuất xây dựng chợ giúp cho việc mua sắm hàng ngày thuận lợi. Trước đây, Sơn Bình chưa có chợ, chúng tôi phải đi chợ Sơn Lâm cũng mất cả buổi, còn bây giờ chỉ tranh thủ một chút thời gian là đã có thể mua sắm được. Người dân chúng tôi mong muốn có thêm nhiều công trình nữa phục vụ nhu cầu của bà con”.
Trên cơ sở Chương trình 135, huyện tiếp tục triển khai dự án HTCSNTDVCĐ. Đây cũng là một trong những hướng mới nhằm nâng cao năng lực quản lý, lập kế hoạch và điều hành dự án. Xã vừa xây dựng được công trình mà người dân cũng vừa có việc làm. Sơn Lâm là xã đầu tiên thực hiện dự án này; trong 3 năm, xã được cấp vốn trên 1,2 tỷ đồng để thực hiện đường dân sinh, nhà trẻ mẫu giáo, giếng đào… phục vụ người dân. Ông Nguyễn Cảnh Hòa - Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm đầu, địa phương rất khó khăn khi thực hiện, nhưng những năm tiếp theo do có kinh nghiệm nên các công trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, Chương trình 135 với mục đích mở rộng vành đai dân cư, tạo thuận lợi cho người dân sử dụng các dự án giao thông, thủy lợi nên rất được bà con đồng tình ủng hộ. Trong các xã có dự án HTCSNTDVCĐ, Sơn Lâm đã hoàn thiện chu kỳ năm thứ 3, Sơn Bình đang bước vào chu kỳ năm thứ 3 và Sơn Hiệp năm thứ 2. Đây sẽ là đòn bẩy từng bước phát triển KT-XH cho các xã khó khăn, nâng cao dần chất lượng cuộc sống của nhân dân miền núi.
Liên tục nhiều năm qua, Khánh Sơn có mức tăng trưởng kinh tế ổn định. Người dân từ chỗ thiếu đói đã đi dần đến cuộc sống ấm no. Số hộ nghèo từ 30,17% năm 2003 giảm xuống còn 15,98% năm 2004 đã nói lên phần nào những chuyển biến trong năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo cấp xã. Việc giao chủ đầu tư các dự án nhỏ cho cấp xã là để nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ cơ sở và góp phần nâng cao đời sống nhân dân các vùng đặc biệt khó khăn. Khi năng lực cán bộ đi lên, KT-XH ở 5 xã thực hiện Chương trình 135 tại Khánh Sơn sẽ có bước phát triển vượt bậc.
LÊ HOÀNG TRIỀU