09:05, 31/05/2005

Đầu tư nước ngoài hồi phục mạnh mẽ

Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) Phan Hữu Thắng về triển vọng và cơ hội to lớn của làn sóng ĐTNN đang hồi phục trở lại tại Việt Nam sau nhiều nỗ lực...

Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư.

Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) Phan Hữu Thắng về triển vọng và cơ hội to lớn của làn sóng ĐTNN đang hồi phục trở lại tại Việt Nam sau nhiều nỗ lực thu hút đầu tư với những biện pháp mạnh mẽ.

Trong tháng 5, lượng vốn đầu tư đưa vào thực hiện của khu vực có vốn ĐTNN ước đạt 250 triệu USD, đưa tổng số vốn thực hiện 5 tháng đầu năm lên khoảng 1,1 tỷ USD. Trong 5 tháng, cả nước đã thu hút được 259 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên đến 1,686 tỷ USD, tăng 37% về số dự án, nhưng tăng gấp 2,7 lần về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng kỷ lục, dự báo cả năm có thể lên tới trên 5 tỷ USD.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dẫn đầu về số lượng dự án (chiếm 71%) và chiếm 44,9% số vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ, chiếm 21% số dự án và 52% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm khoảng 7,7% số dự án và chiếm 2,2% số vốn đầu tư đăng ký. Cơ cấu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam đã có nhiều cải thiện với lượng vốn đầu tư đăng ký mới tập trung chủ yếu từ các nước châu Âu, các nước châu Á. Sau gần 4 năm ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ nhưng đến nay, số vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn chưa tăng trưởng như mong muốn, chỉ chiếm 17,4% số dự án và 7,6% vốn đăng ký (kể cả các dự án liên doanh với nước thứ 3 hoặc một số quốc gia lân cận).

Dấu hiệu phục hồi của ĐTNN thể hiện rõ nét nhất là các dự án: Viễn thông CDMA tại Hà Nội (655,9 triệu USD); Tổ hợp Coralis xây dựng khu cao ốc cho thuê và căn hộ 65 tầng (114,6 triệu USD). Trong tháng 4, tập đoàn Canon (Nhật Bản) cũng chọn Việt Nam làm nơi sản xuất máy in LBP xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nhà máy đặt tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) có công suất 8,4 triệu máy in LBP/năm, chiếm khoảng 30% lượng máy in Canon tiêu thụ trên toàn cầu. Dự án này đi vào hoạt động sẽ nâng tổng vốn đầu tư của Canon Nhật Bản tại Việt Nam lên 250 triệu USD. Ngoài ra, tập đoàn sản xuất xe máy Honda Việt Nam đầu năm nay đã chính thức công bố đầu tư thêm 58 triệu USD vào lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam; Công ty sản xuất ô tô tại Việt Nam; Công ty sản xuất phụ tùng Yamaha Motor tại KCN Thăng Long - Hà Nội cũng đầu tư một nhà máy với số vốn lên đến 47,6 triệu USD; Dự án sản xuất ô tô tại Phú Yên đầu tư nhà xưởng sản xuất với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD; Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 39,9 triệu USD; Công ty Toto Việt Nam tăng vốn thêm 52 triệu USD… Như vậy, tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm nay đã lên tới 2,453 tỷ USD, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phan Hữu Thắng cũng cho rằng, "dòng chảy" vốn ĐTNN sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn vào nửa cuối năm nay, bởi hiện còn khá nhiều dự án với số vốn rất lớn đang trình lên Bộ Kế hoạch - Đầu tư chờ xem xét cấp phép. Đó là dự án sản xuất thép không rỉ của Đài Loan (700 triệu USD); Dự án khu nghỉ mát vui chơi giải trí Dragon Beach tại Quảng Nam (800 triệu USD) và một số dự án lớn khác được các nhà đầu tư quan tâm là Dự án khu đô thị Tây Hồ Tây, dự án bôxít Lâm Đồng, dự án sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, dự án Kenmark, dự án Sài Gòn Atlantic, dự án BOT xây dựng cơ sở hạ tầng - đường sá, cảng biển…

Theo tin tức