Khuyến công là đòn bẩy phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) địa phương. Thế nhưng đi vào hoạt động, chương trình khuyến công vẫn gặp phải không ít khó khăn...
Xã viên HTX Đúc đồng Phú Lộc Tây (Diên Khánh) sản xuất các sản phẩm phục vụ cho ngành điện lực. |
Khuyến công là đòn bẩy phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) địa phương. Thế nhưng đi vào hoạt động, chương trình khuyến công vẫn gặp phải không ít khó khăn khi hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, các hợp tác xã (HTX) và cơ sở sản xuất cá thể (sau đây gọi chung là DN).
Hơn 1 năm qua, kể từ khi Quỹ Khuyến công tỉnh chính thức hoạt động, Ban điều hành (BĐH) Quỹ đã hỗ trợ cho 6 DN có dự án được duyệt với tổng số tiền 120 triệu đồng (20 triệu đồng/DN) gồm: HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước, HTX TTCN Vạn Bình, HTX Phú Lộc, DNTN Huynh Đệ, DNTN Hùng Anh và Công ty TNHH Quốc Hân. Có thể nói, chương trình khuyến công đã khuyến khích các DN mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề TTCN. Từ khi nhận hỗ trợ từ Quỹ Khuyến công, phối hợp với các nguồn vốn ưu đãi khác, nhiều DN đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Những đơn vị có chuyển biến rõ nét như: HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước tuyển thêm 250 lao động; HTX Phú Lộc đạt doanh thu 800 triệu đồng (cao nhất kể từ khi hoạt động) hoặc DNTN Huynh Đệ đã mua sắm thêm trang thiết bị sản xuất… Tuy nhiên, bên cạnh một số đơn vị có tốc độ phát triển sản xuất vượt trội, vẫn còn có đơn vị chưa “bắt nhịp” được với dự án đã hỗ trợ, thậm chí có đơn vị không dám nhận tiền hỗ trợ vì sản phẩm khó tiêu thụ như: HTX TTCN Vạn Bình… Đây là một trong những băn khoăn của BĐH Quỹ Khuyến công. Theo ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở Công nghiệp, thành viên BĐH Quỹ: Tuy khi dự án được duyệt, DN sẽ nhận hỗ trợ không hoàn lại nhưng vẫn phải có trách nhiệm quản lý và chi đúng mục đích. Mọi hoạt động có liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ phải có quyết toán để BĐH kiểm tra. Do vậy nhiều DN có danh sách nhận hỗ trợ nhưng lại không dám nhận vì sợ không thể quyết toán được.
Bên cạnh một số DN không tìm được đầu ra sản phẩm, không chuẩn bị kịp thời để hoạt động sản xuất, vẫn còn khá nhiều đơn vị không mấy quan tâm về Quỹ Khuyến công. Bởi có nhiều DN cho rằng: nhận hỗ trợ sẽ làm cho DN mất nhiều thời gian hơn từ việc xây dựng phương án đến chờ duyệt và nhận hỗ trợ; vả lại số tiền này rất nhỏ so với số vốn mà các DN đang cần để đầu tư nên chưa thật hấp dẫn. Trên thực tế, quy định hiện nay trong hoạt động khuyến công, số tiền được nhận hỗ trợ cao nhất cũng chỉ đến 10 triệu đồng/DN đối với đào tạo nghề và 20 triệu đồng/DN cho đầu tư mở rộng sản phẩm, mở rộng ngành nghề; điều này, khó tạo được sự bứt phá cho DN khi muốn mở rộng phương án đầu tư…
Hiện nay, điều khó khăn nhất vẫn là việc xây dựng phương án và thông qua các phương án đầu tư của từng DN. Bởi thành viên của BĐH Quỹ Khuyến công tập trung ở nhiều sở, ngành nên mỗi một dự án xin hỗ trợ có thời gian thẩm định, thông qua đến khi nhận được tiền hỗ trợ rất lâu. Đó cũng chính là lý do mà trong năm 2004, BĐH chỉ chọn và duyệt được 4 DN trong rất nhiều DN đang hoạt động trong lĩnh vực TTCN hiện nay. Ông Lê Hoàng Thọ cho biết: “Số DN được hỗ trợ từ Quỹ Khuyến công còn rất ít so với dự kiến. Nếu muốn có nhiều dự án đầu tư xin được hỗ trợ, chúng ta cần tiếp tục cải cách hành chính, hướng dẫn rõ hơn về trình tự thủ tục và giúp DN dự án. Chúng tôi đang đề nghị tỉnh cho thành lập Trung tâm Dịch vụ tư vấn công nghiệp và khuyến công; đồng thời, BĐH cũng nghiên cứu có thể đề nghị tỉnh nâng mức hỗ trợ hấp dẫn hơn cho DN tiếp cận nguồn vốn với tinh thần thoải mái…”
LÊ HOÀNG TRIỀU