05:08, 09/08/2004

Vận hội mới cho kinh tế - xã hội miền núi

Những năm qua, với chủ trương giúp đỡ các xã nghèo của Đảng và Nhà nước, 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã có những đổi thay đáng kể....

Ông Trần Đình Hoan - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đến thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh).

Những năm qua, với chủ trương giúp đỡ các xã nghèo của Đảng và Nhà nước, 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã có những đổi thay đáng kể. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã hòa nhập, quen dần với cách làm ăn mới, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu của mình. Khánh Hòa đang tiếp tục nỗ lực từng bước đánh thức tiềm lực miền núi cũng như nâng cao đời sống kinh tế của bà con.

Từ năm 1999 đến nay, đã qua hơn 4 năm Chương trình 135 được triển khai ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã đến việc xây dựng các trạm y tế, các trung tâm cụm xã đều được tiến hành. 100% số xã đã có điện, hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng, nâng cấp, trường học và trạm y tế với công suất từ 70 đến 100% người dân được hưởng lợi từ các công trình này. Ở từng huyện đã tiến hành xây dựng trung tâm cụm xã giúp cho bà con tập trung giao lưu mua bán, trao đổi hàng hóa. Những trung tâm cụm xã: cánh Tây (huyện Khánh Sơn), cánh Tây và cánh Bắc (huyện Khánh Vĩnh) đã góp phần thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ chính sách trợ giá, trợ cước nên giá cả khu vực miền núi tương đối bình ổn, ít biến động theo guồng quay của thị trường. Trong mục tiêu chung, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đang chuẩn bị các bước để xây dựng trung tâm cụm xã cánh Đông, tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống giao thông nông thôn và nhiều cơ sở hạ tầng khác, tạo động lực phát triển kinh tế.

Ngoài Chương trình 135, Khánh Hòa đang triển khai thực hiện Chương trình phát triển KT - XH miền núi. Đây là một trong những chương trình KT - XH trọng điểm của tỉnh. Chương trình phát triển cây lúa nước, Chương trình phát triển kinh tế vườn nhà - vườn rừng, chăn nuôi bò… bước đầu cho kết quả khả quan. Nhiều năm liền, tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí cho đồng bào DTTS tự khai hoang trồng lúa nước. Đến nay, người dân đã bắt đầu làm quen với kỹ thuật trồng lúa nước nên diện tích lúa nước do đồng bào DTTS canh tác ở 2 huyện đã tăng lên gần 190 ha; người dân không còn phải lo lắng đến mùa giáp hạt.

Từ nguồn ngân sách tỉnh, năm 2004, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà đều được xét cấp kinh phí xây dựng.

Với mục tiêu đã đề ra đến năm 2005 có 90% số hộ sản xuất là đồng bào DTTS phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, phổ cập nâng cao trình độ hiểu biết để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không còn hộ người DTTS có khó khăn về nhà ở, giảm du canh du cư xuống còn 1%, không còn hộ đói, giảm hộ nghèo… tỉnh Khánh Hòa đã dành một phần ngân sách rất lớn để giúp bà con DTTS vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Trong công tác vận động trẻ em đến tuổi đi học, tỉnh đã hỗ trợ cho các cháu mẫu giáo lớn 15.000 đồng/tháng; học sinh cấp 1: 30.000 đồng/tháng; cấp 2, 3: 120.000 đồng/tháng và cao đẳng, đại học là 300.000 đồng/tháng (quy đổi ra gạo). Thế là vừa có gạo, vừa có kiến thức nên các gia đình đều cho con em ra lớp. Tính đến nay, tỷ lệ học sinh đến tuổi ra lớp ở 2 huyện đạt 100%. Cùng với việc nâng cao dân trí cho đồng bào DTTS, tỉnh đã hỗ trợ cho bà con tham gia trồng cây, lập vườn theo Chương trình 132 (phát triển kinh tế vườn nhà - vườn rừng) mà khởi điểm ở xã Sơn Bình (Khánh Sơn) và xã Sơn Thái (Khánh Vĩnh) đã đem lại kết quả khả quan. Sau 1 năm đưa vào trồng: vườn nhà (gồm: bưởi, sầu riêng, chôm chôm) và vườn rừng (keo lai giâm hom) đã phát triển rất tốt. Năm 2004, tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho bà con 2 huyện thực hiện chương trình kinh tế vườn; dự kiến Khánh Sơn sẽ trồng 695 ha, Khánh Vĩnh sẽ trồng 1.140 ha. Hiện nay, công tác đo đạc, xử lý thực bì và chuẩn bị cây con giống đang được tiến hành khẩn trương. Ngoài ra, để ổn định cuộc sống lâu dài cho đồng bào DTTS, tỉnh tiếp tục chủ trương chi ngân sách 40 tỷ đồng xây dựng nhà định canh - định cư và cấp phát bò giống cho những hộ gia đình chưa được hưởng chính sách này nhằm mục đích giúp bà con vươn lên thoát khỏi đói nghèo, ổn định cuộc sống.

Những chính sách từ Chương trình 135 và sự quan tâm của tỉnh bằng Chương trình phát triển KT - XH miền núi, đã đưa đồng bào DTTS ở 2 huyện miền núi vươn lên thấy rõ. Đến nay, khu vực miền núi đã không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh từ trên 60% năm 2000 xuống chỉ còn khoảng 30% hiện nay. Trong tương lai gần, khi những vườn cây ăn quả kết trái và vườn rừng keo lai giâm hom đến ngày thu hoạch thì đời sống bà con sẽ tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững trong công cuộc xây dựng và phát triển KT - XH miền núi, Khánh Hòa vẫn đang từng ngày từng giờ hướng dẫn cho bà con làm quen với khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới. Bằng chứng là ở cả 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã bắt đầu có rất nhiều tri thức trẻ tình nguyện đưa cách thức làm ăn về với buôn làng.

Trong chuyến công tác gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc K’Sor Phước, qua nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, đã định hướng: “Lãnh đạo các huyện cần tham mưu cho tỉnh về việc trồng cây gì, nuôi con gì trên vùng đất của huyện nhà; phải chú trọng đến đầu ra, gắn kết sản phẩm với thị trường. Hiệu quả cuối cùng là phải làm sao xóa được đói, giảm được nghèo. Nên thay đổi tư liệu sản xuất như thế nào và bằng cách nào để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về với bà con…”

Có thể thấy, những năm qua tỉnh đã hỗ trợ một lượng kinh phí rất lớn cho vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Những gì mà tỉnh đã làm sẽ còn tiếp tục để hoàn thành mục tiêu phát triển KT - XH chung của tỉnh. Trên con đường đó, việc thay đổi phong tục tập quán sản xuất của bà con DTTS là cả một quá trình cần sự kiên nhẫn và bền bỉ.

LÊ HOÀNG TRIỀU