Đi trên đường phố Nha Trang hôm nay, điều chúng ta dễ dàng cảm nhận được là cơ sở hạ tầng giao thông giờ đã có dáng vóc và diện mạo khác hẳn so với cách đây 15 năm...
Đại lộ Nguyễn Tất Thành. |
Đi trên đường phố Nha Trang hôm nay, điều chúng ta dễ dàng cảm nhận được là cơ sở hạ tầng giao thông giờ đã có dáng vóc và diện mạo khác hẳn so với cách đây 15 năm. Diện mạo và vóc dáng đó chính là sự kết tinh và những nỗ lực đặc biệt của ngành Giao thông Vận tải (GTVT).
15 năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án xây dựng mới, nâng cấp mở rộng mạng lưới đường bộ được thực hiện: Nâng cấp mở rộng và nhựa hóa Tỉnh lộ 1, Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 8B, Tỉnh lộ 9…; xây dựng mới Quốc lộ 1 - Nhà máy Hyundai, đường vào thác Yang Bay, đường vào Dốc Lết, đường đi Đầm Môn, đường đi Khánh Bình - Ninh Xuân…
Tổng chiều dài đường bộ toàn tỉnh đến tháng 3-2004 là 3.165km, tăng gấp 2,3 lần so với năm 1989, trong đó đường nhựa là 838km, tăng gấp 3 lần so với năm 1989.
Cùng với sự phát triển của mạng lưới giao thông đường bộ, phương tiện vận tải đường bộ qua 15 năm đã phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển của nhân dân và phục vụ các ngành kinh tế khác. Đến năm 2003, số lượng phương tiện toàn tỉnh là 4.260, tăng gấp 13 lần so với năm 1989 (322 xe). Phương tiện thủy nội địa phát triển mạnh mẽ để phục vụ du lịch và nhu cầu dân sinh. Năm 1995 mới có 135 phương tiện, đến tháng 3-2004 có 463 phương tiện, tăng gấp 3,4 lần. Bên cạnh đó, các bến cầu đò cũng được đầu tư, nâng cấp. Có 4 bến đò được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông: Vạn Giã, Ninh Vân, Vĩnh Nguyên, Bình Hưng. Các tuyến xe chất lượng cao: Nha Trang - Đà Lạt, Nha Trang - Buôn Ma Thuột, Nha Trang - Quy Nhơn, Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang - Tuy Hòa hoạt động có hiệu quả, chất lượng xe và thái độ phục vụ ngày càng tốt hơn đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp (DN) thuộc Sở GTVT trong 13 năm (1991 - 2003) là 1.221 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch. Năm 2003 doanh thu đạt 159 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với năm 1991; nộp ngân sách trong 13 năm (1991 - 2003) là 54,5 tỷ đồng, đạt 115,5% kế hoạch. Riêng năm 2003 nộp ngân sách 4,9 tỷ, tăng gấp 3,8 lần so với năm 1991. 13 năm liền Sở liên tục hoàn thành kế hoạch Nhà nước, nhiều DN cũng nhiều năm liên tục hoàn thành kế hoạch về trước 1 tháng như: Công ty Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông liên tục 13 năm, Công ty Cổ phần Xe khách Khánh Hòa và Công ty Dịch vụ Vận tải liên tục 12 năm, Công ty Quản lý và Sửa chữa công trình giao thông, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng giao thông. Đời sống CBCNV ổn định và từng bước được cải thiện. Thu nhập của CBCNV hàng năm tăng bình quân 5 - 10%. Thu nhập bình quân toàn ngành năm 2003 là 1,2 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 4 lần so với năm 1991. Ngành GTVT là một trong những ngành đầu tiên có DN được UBND tỉnh chọn để tiến hành công tác cổ phần hóa (CPH). Qua 3 năm thực hiện (2000 - 2003) có 6/10 DN đã chuyển đổi sang công ty cổ phần. Năm 2004 sẽ tiếp tục CPH thêm 1 DN, đạt 100% các DN thuộc diện CPH theo quy định của UBND tỉnh. Các DN sau khi CPH đều hoạt động ổn định và phát triển, lợi tức chia bình quân hàng năm từ 15 - 20%. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời với công tác tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Tổng giá trị đầu tư trong năm 2003 đạt 19,1 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2000, tăng gấp 3 lần so với năm 1995.
Sở GTVT đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với các địa phương xây dựng Chương trình phát triển giao thông nông thôn (GTNT) đến năm 2005. Hàng năm, Sở phát động phong trào thi đua “Toàn dân làm GTNT”. Kết quả của phong trào thi đua phát triển GTNT đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nông dân, từng bước đổi mới bộ mặt nông thôn hiện nay. Đến nay, về cơ bản đã thực hiện được những mục tiêu trong chương trình phát triển GTNT 1998 - 2005 của Tỉnh ủy đề ra.
G.A
|