12:08, 04/08/2004

CPH NH Ngoại thương VN: Không đóng cửa chi nhánh nào

Là một trong hai ngân hàng thương mại quốc doanh được chọn thí điểm cổ phần hóa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có lợi thế...

Là một trong hai ngân hàng thương mại quốc doanh được chọn thí điểm cổ phần hóa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (NHNT) có lợi thế không phải giải quyết các vấn đề lao động dôi dư và xử lý nợ đọng. Tuy nhiên, xác định được giá trị của ngân hàng một cách phù hợp là vấn đề khó khăn, đòi hỏi có sự tính toán kỹ của các nhà lập đề án cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích cho Nhà nước và các nhà đầu tư.

Những lợi thế khi cổ phần hóa

Chủ tịch Hội đồng quản trị NHNT Lê Ðắc Cù cho biết, đến thời điểm 31-12-2003, sau ba năm triển khai Ðề án tái cơ cấu, NHNT cơ bản đã xử lý xong các khoản nợ tồn đọng và luôn khống chế tỷ lệ nợ xấu theo chuẩn mực quốc tế về chất lượng tài sản. Hiệu quả kinh doanh, mức độ sinh lời của NHNT tương đối tốt thể hiện qua các chỉ số ROE và ROA liên tục bảo đảm  theo chuẩn mực quốc tế. NHNT nộp nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước tăng đều qua các năm, bảo đảm thu nhập ổn định ở mức trung bình cho cán bộ, nhân viên. NHNT có một lợi thế nữa là mạng lưới hoạt động tương đối gọn nhẹ, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn và các khu kinh tế năng động, hơn nữa số cán bộ, nhân viên thấp hơn nhiều so các ngân hàng thương mại Nhà nước khác. Hiện cơ cấu tổ chức và quản trị điều hành của NHNT từng bước đổi mới theo chuẩn mực quốc tế. Các yếu tố trên đã tạo cho NHNT có khả năng kiểm soát và phản ứng kịp thời trước những biến động của thị trường, giúp NHNT tiết kiệm chi phí quản trị điều hành và đạt được hiệu suất lao động trên đầu người cao. Thương hiệu Vietcombank đã gây được ấn tượng với bạn hàng trong và ngoài nước. Ðây có thể xem là một ưu thế rất lớn, một tài sản vô hình có giá trị cao khi định giá tài sản của NHNT để cổ phần hóa. Ðồng thời, thương hiệu Vietcombank sẽ thu hút các nhà đầu tư không những trong nước mà cả ngoài nước mua cổ phiếu của NHNT.

Ngoài ra, NHNT được đánh giá có nền tảng công nghệ tiên tiến nhất so với các ngân hàng thương mại khác tại Việt Nam. Chính trên nền tảng công nghệ này, NHNT liên tục đi tiên phong trong việc đa dạng hóa và hiện đại hóa nhiều sản phẩm ngân hàng mới, đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ các khách hàng truyền thống ngày càng tốt hơn, thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Những năm gần đây, cơ cấu nguồn thu của NHNT liên tục tăng và chuyển dịch theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng, tăng thu từ dịch vụ, qua đó góp phần đa dạng hóa nguồn thu và phân tán rủi ro hoạt động.

Các nguyên tắc chủ đạo khi tiến hành cổ phần

Việc cổ phần hóa NHNT được Thủ tướng chỉ đạo giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm đề án, còn NHNT là đối tượng thực hiện. NHNN chủ trì xây dựng đề án theo hướng phát hành cổ phiếu ưu đãi trong giai đoạn đầu. Ban đầu đề án dự kiến hoàn thành vào cuối tháng sáu. Tuy nhiên, đến thời điểm này có khả năng đề án còn kéo dài. Thống đốc NHNN Lê Ðức Thúy cho biết đề án phát hành cổ phiếu ưu đãi để huy động vốn và tăng vốn điều lệ NHNT sẽ được thông qua và trình Chính phủ phê duyệt. Theo đề án này, NHNT sẽ phát hành một lượng khoảng 2.000 - 2.500 tỷ đồng, so với vốn hiện nay của Vietcombank chiếm khoảng 1/3 tổng vốn khi mà hai khoản bán cổ phiếu và vốn tự có gộp lại. Tức là nếu bán cổ phiếu, người mua cũng chỉ sở hữu 1/3 vốn của NHNT. Ðồng thời với việc đó, việc chuẩn bị đề án để đến cuối năm 2005 có thể trình các cấp có thẩm quyền cho NHNT phát hành cổ phiếu phổ thông, tức là phát hành cổ phiếu mà người nắm giữ có quyền và nghĩa vụ như một chủ sở hữu trực tiếp tại NHNT. Ông Thúy nhận định việc này khó khăn và không thể vội vàng được vì phải đánh giá được giá trị của NHNT là bao nhiêu. Các nhà lập đề án đang có ý định thuê công ty định giá quốc tế vào định giá NHNT trước khi sẽ chia NHNT thành bao nhiêu cổ phiếu, bao nhiêu mệnh giá và sẽ bán như thế nào. Nhưng tinh thần chỉ đạo của NHNN đến thời điểm này nếu có bán cổ phần thì chỉ bán 49%, còn 51% vẫn thuộc về Nhà nước.

Từ khi có thông tin về việc NHNT sẽ phát hành cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự quan tâm rất lớn. Bởi đây là ngân hàng thương mại quốc doanh đầu tiên được lựa chọn để tham gia thị trường chứng khoán và chủ trương không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc sở hữu cổ phiếu của NHNT cũng được công bố.  Hơn nữa, NHNT có sức hấp dẫn là một trong những ngân hàng chủ lực của ngành ngân hàng.

Tổng Giám đốc Vũ Viết Ngoạn cho biết, định giá NHNT đúng là khâu khó nhất, vì  NHNT không phải đối mặt với giải quyết lao động dôi dư và nợ tồn đọng. Theo kinh nghiệm quốc tế, để cổ phần hóa một ngân hàng lớn như NHNT thường mất khoảng ba năm. Ðối với NHNT nếu làm nhanh nhất cũng phải mất ít nhất hai năm. Nếu tính từ thời điểm có chủ trương (3-2004) thì khả năng hoàn thành cổ phần hóa NHNT sẽ vào cuối năm 2005 hoặc đầu 2006.

Theo Nhân Dân