Thị trường viễn thông đang bắt đầu những cuộc đua hạ giá cước giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Kẻ mới - người cũ, tất cả đều trong tâm trạng nghe ngóng đối thủ...
Không thể ngoài cuộc, Saigon Postel cũng rục rịch tung ra chương trình "gọi 177 trúng 177 triệu đồng". |
Thị trường viễn thông đang bắt đầu những cuộc đua hạ giá cước giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Kẻ mới - người cũ, tất cả đều trong tâm trạng nghe ngóng đối thủ, cố gắng đưa ra những chính sách giá mới để giành thị phần. Còn người sử dụng thì "ngư ông đắc lợi".
Văn bản ký trình Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) phương thức tính cước 2 vùng cho dịch vụ PSTN và VoIP của Tổng công ty BCVT (VNPT) chưa kịp ráo mực thì gần như ngay lập tức Công ty viễn thông quân đội (Viettel) tung ra chương trình "mỗi tuần một chuyến du lịch" kéo dài đến hết tháng 9. Không thể ngoài cuộc, Saigon Postel cũng rục rịch tung ra chương trình "gọi 177 trúng 177 triệu đồng".
Cố định: nối nhau khuyến mại
Theo phương án của VNPT, mức cước mới đối với dịch vụ VoIP 171 sẽ chỉ còn 2 vùng thay cho 3 vùng như hiện nay. Trong đó, vùng 3 sẽ nhập vào vùng 2 và áp dụng mức cước của vùng 2 còn các vùng khác vẫn giữ nguyên như hiện hành.
Như vậy, cước VoIP 171 của vùng 1 sẽ là 727 đồng/phút. Vùng 2 gồm cả vùng 3 và 4 cũ với mức cước chung là 1.227 đồng/phút (mức cước cũ vùng 2 là: 1.227 đồng/phút và vùng 3 là: 1.636 đồng/phút).
Theo VNPT, việc gói gọn thành 2 vùng cước đảm bảo được sự cân đối mức cước giữa các vùng đồng thời khuyến khích thị trường vùng 3 phát triển. Với động thái này của "ông lớn" VNPT- chủ sở hữu của gần 8 triệu thuê bao, đạt tỷ lệ 8 máy/100 dân, trong đó điện thoại cố định chiếm trên 62%, thì Viettel (với 700.000 thuê bao mạng 178) và Saigon Postel (với 40.000 thuê bao mạng 177), đang phải "gồng mình" lên trong cuộc chạy đua mới.
Theo Viettel, với vùng phủ sóng 31 tỉnh thành trong cả nước, kết nối đi hơn 200 quốc gia trên thế giới, dung lượng mạng lưới khoảng 30 triệu phút/tháng, mạng 178 đang đứng trước khó khăn lớn trong việc giành thị phần. Vì vậy, ngoài chất lượng, thì hạ giá và khuyến mại là một trong những chiêu không thể không làm. Với chương trình "Gọi 178 trúng xe Mercedes", "Mỗi tuần một chuyến du lịch" và "Gọi 178 trúng nhà may mắn" với 8.000 phần quà trị giá trên 2 tỷ đồng nhằm quảng bá dịch vụ, Viettel đang tràn trề hy vọng sẽ thu hút được khoảng 800.000 khách hàng sử dụng dịch vụ trong năm.
Còn "Gọi 177" của Saigon Postel (SPT) lại khẳng định: quyết không chạy đua về giá mà chỉ khẳng định mình bằng chất lượng dịch vụ. Đây có lẽ cũng là một biện hộ khéo léo của SPT cho sự trì hoãn của chương trình "Gọi 177 trúng 177 triệu đồng". Tuy nhiên, SPT cũng khẳng định sẽ nhanh chóng áp dụng chương trình vào thời điểm sớm nhất.
"Chúng tôi sẽ tập trung cho điện thoại di động S-Fone theo hướng nhanh chóng phát triển thuê bao mới và mở rộng mạng lưới, còn với mạng điện thoại cố định thì là "chậm mà chắc", một quan chức của SPT cho biết.
Tuy nhiên, chẳng phải các chuyên gia viễn thông hay kinh tế mà ai cũng biết rằng trở ngại lớn nhất của cả "178" lẫn "177"trong cuộc chạy đua với "171" chính là việc mở rộng vùng phủ sóng.
Hiện 171 đã có mặt ở tất cả các tỉnh thành, trong khi 178 và 177 luôn bị "gây khó dễ" khi mở rộng vùng phủ sóng. Năm nay, Viettel đặt kế hoạch mở thêm dịch vụ ở 10-15 tỉnh thành nữa nhưng việc họ có làm được hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào VNPT vì các bưu điện tỉnh hiếm khi thực hiện đúng thời hạn kết nối tối đa là 45 ngày.
Di động: đề nghị tính cước một vùng
Trên thị trường điện thoại di động, cuộc đua còn trở nên gay cấn hơn bởi phương án đề nghị tính cước một vùng cho hai mạng điện thoại di động VMS- MobiFone và Vinaphone cũng vừa đệ trình lên Bộ BCVT. Theo đó, mức cước cho các cuộc gọi sẽ không còn chia theo ranh giới địa lý như trước.
Cụ thể cước các cuộc gọi sẽ chỉ được áp dụng duy nhất một mức cước như nhau cho tất cả các cuộc gọi trên toàn lãnh thổ ở mức 850 đồng/block 30 giây cho thuê bao trả sau (hiện liên vùng trả sau là 1.200 đồng/blok 30 giây), 1.200 đồng/block 30 giây cho thuê bao trả trước (cước liên vùng hiện là 1.800 đồng/block 30 giây), thuê bao ngày là 1.000 đồng/30 giây.
Với các cuộc gọi nội vùng, mạng Vinaphone và MobiFone cũng đề xuất mức cước ưu đãi tối đa là 720 đồng/block 30 giây (giảm khoảng 15%). VNPT cũng đã đưa ra nhiều phương pháp tính cước mới nhằm khuyến khích người tiêu dùng như: giảm giá cho khách hàng sử dụng nhiều, bán theo gói cước... trong phạm vi không quá 20% mức giá chuẩn áp dụng cho cả hai mạng Vinaphone và MobiFone.
Với đề nghị này, đối tượng được lợi nhất là các thuê bao hay phải di chuyển từ vùng này sang vùng kia. Họ cũng sẽ không phải tính toán chi li khi mang điện thoại di động đi công tác mà cách vùng vì chi phí cao hơn.
Chưa hết, VNPT quyết làm hài lòng người tiêu dùng tối đa với việc đưa ra phương án để cung cấp dịch vụ gói cước tiết kiệm, cho phép giảm giá ở mức tối đa 20% so với cước chuẩn cho khách hàng dùng nhiều. Theo đó, sẽ có 7 loại gói cước G200 (258.000 đồng), G200SMS (307.000 đồng), G400 (409.000 đồng), G400SMS (429.000 đồng), G600 (551.000 đồng), G800 (685.000 đồng) và G900 giá 743.000 đồng (các mức cước trên chưa bao gồm thuế GTGT và không phụ thuộc vào giờ giảm cước).
Việc đưa ra các gói cước này theo VNPT là để khuyến khích các khách hàng sử dụng nhiều. Theo Vinaphone và MobiFone, để đáp ứng các nhu cầu liên lạc khác nhau vào từng thời điểm của khách hàng họ sẽ đưa hình thức đăng ký dịch vụ này trước theo yêu cầu sử dụng nhiều hay ít để giúp khách hàng tiết kiệm tối đa chi phí.Cũng từ 1-7, mạng Vinaphone sẽ áp dụng giảm cước hòa mạng từ 300.000 đồng xuống còn 200.000 đồng/máy và miễn phí cho các thuê bao trả trước đã sử dụng từ 1 năm trở lên khi muốn chuyển sang trả sau và không bị gián đoạn sử dụng.
Đối với các thuê bao trả trước sử dụng trong vòng 6-12 tháng, Vinaphone sẽ giảm 50% cước hòa mạng. Dùng liên tục từ 6 tháng đến dưới 1 năm, khách hàng sẽ được giảm 50%; dưới 6 tháng sẽ được giả m 30%; sim hỏng sẽ được đổi miễn phí. Vinaphone cũng đồng loạt đưa vào các dịch vụ mới: vô tuyến gói chung (GPRS), đại lý điện từ (VinaE-Load) và đàm thoại (PTT) để nhắm tới con số 2,5 triệu thuê bao trong năm nay.
Về năng lực mạng lưới, theo ông Hoàng Trung Hải, Giám đốc Vinaphone, mạng di động này đã ký được hợp đồng mua tổng đài lắp đặt tại Cần Thơ với dung lượng 300.000 thuê bao và tổng đài tại Hà Nội với 20.000 thuê bao nhằm nhanh chóng chấm dứt tình trạng mạng quá tải. Phía MobiFone cũng tích cực nâng cao mạng lưới bằng việc trình dự án lắp đặt 2 tổng đài mới tại Hà Nội và Tp.HCM với dung lượng 600.000 thuê bao và dự án nâng cấp mở rộng 7 tổng đài (khoảng 400.000 số) đang hoạt động.
Với những động thái mới này, MobiFone và Vinaphone hy vọng sẽ tăng thêm thị phần của họ trên thị trường di động. Tuy nhiên, nó cũng đẩy mạng S-Fone và mạng di động sắp ra của Viettel vào một tình thế cạnh tranh mới đầy khó khăn.
Theo Thời báo Kinh Tế Việt Nam