09:07, 29/07/2004

Thuế sẽ vẫn tiếp tục bảo hộ ngành thép

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung với báo chí ngay sau buổi họp kín về thuế nhập khẩu thép giữa Bộ Tài chính, Thương mại và Công nghiệp sáng 27-7...

Thứ trưởng Trương Chí Trung: "Chúng ta còn phụ thuộc quá nhiều vào phôi thép của thế giới".

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung với báo chí ngay sau buổi họp kín về thuế nhập khẩu thép giữa Bộ Tài chính, Thương mại và Công nghiệp sáng 27-7.

Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết mục đích của cuộc họp là phân tích nguyên nhân giá thép tăng trở lại trong thời gian gần đây, từ đó 3 bộ sẽ cùng đưa ra giải pháp để bình ổn.

Về nguyên nhân, có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra thảo luận, song các đại diện tham gia cuộc họp đều thống nhất là có nguyên nhân khách quan trong diễn biến giá thép vừa qua. Đó là sự tác động của thị trường thế giới. Giá chào bán phôi thép và thép thành phẩm tăng, tác động tới tâm lý doanh nghiệp.

Về nguyên nhân chủ quan, theo Thứ trưởng Trương Chí Trung, thép là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo Pháp lệnh giá, tuy nhiên, thời gian vừa qua, các bộ, các ngành chưa thực hiện biện pháp quản lý bình ổn. “Nhưng không vì thế mà doanh nghiệp muốn bán thế nào thì bán”, Thứ trưởng nói.

Trên thực tế, khi chính sách tái áp thuế nhập khẩu thép chưa có hiệu lực (trước 1-7), giá thép trong nước đã tăng. Nhưng tại cuộc họp, nguyên nhân tập trung ở sự chủ động của các doanh nghiệp ngoài Tổng công ty Thép. Mặt khác, cuộc họp cũng đi đến kết luận là hệ thống phân phối của các doanh nghiệp có vấn đề. Việc quản lý giá sau đại lý cấp I, II, giá đến tay tiêu dùng không thực hiện tốt. Từ đây dẫn đến sự chênh lệch giữa giá doanh nghiệp công bố và giá thực tế trên thị trường.

Nhưng, một số doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Thép cũng đòi tăng giá. Điều đó là do tâm lý doanh nghiệp. “Nếu doanh nghiệp giữ giá theo chỉ đạo của Bộ Công nghiệp thì sau một tháng sẽ thiệt hại 24 tỷ đồng, thiệt so với giá trên thị trường”, Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết.

Mục tiêu đặt ra tại cuộc họp là một khung giá bình ổn từ 7,5 - 8 triệu đồng/tấn thép. Để thực hiện cần phải có một số giải pháp. Giải pháp mạnh là phải khắc phục được nguyên nhân chủ quan, tức là phải sắp xếp lại sản xuất của doanh nghiệp và khâu phân phối theo hướng Pháp lệnh giá. Các doanh nghiệp phải đăng ký, niêm yết giá đến tận tay người tiêu dùng, tránh khâu thương mại mua đứt bán đoạn. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra ở giải pháp này.

Đối với giải pháp về giảm thuế nhập khẩu, Thứ trưởng Trương Chí Trung khẳng định là chưa thể áp dụng vì bảo hộ là cần thiết. “Không thể xóa bảo hộ được vì ngành thép vẫn là ngành công nghiệp rất quyết định đối với nền kinh tế tự chủ. Cũng không thể nói là Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xóa bảo hộ mà là giảm bảo hộ, như trước đây thuế nhập khẩu là từ 20 - 40% được giảm xuống còn 10 - 20%. Việc giảm bảo hộ cần theo những mức thuế hợp lý, theo sự phát triển của ngành thép”, ông Trung nói.

Tất nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính là khi đặt ra thuế để bảo hộ thì các doanh nghiệp phải đảm bảo được hệ thống phân phối, tránh trường hợp lợi dụng, đầu cơ ảnh hưởng đến chính sách này và ảnh đến người tiêu dùng.

Theo dự báo được đưa ra tại cuộc họp, giá thép đang và sẽ diễn biến phức trên một mặt bằng cao. Giá trong nước, mức hợp lý là từ dưới 8 triệu đồng/tấn.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam