Bộ Tài chính và Bộ Thương mại đã thống nhất quyết định chấm dứt bù lỗ cho mặt hàng xăng, chỉ bù lỗ cho dầu DO, FO nhằm mục đích ổn định sản xuất. Điều này có nghĩa là từ nay...
Với thuế suất nhập khẩu bằng 0%, xăng A92 lãi được 500 đồng/lít. |
Bộ Tài chính và Bộ Thương mại đã thống nhất quyết định chấm dứt bù lỗ cho mặt hàng xăng, chỉ bù lỗ cho dầu DO, FO nhằm mục đích ổn định sản xuất. Điều này có nghĩa là từ nay, giá xăng trong nước sẽ lên xuống theo giá trên thị trường thế giới.
Sau khi dịu lại ở mức 38-39 USD/thùng trong những ngày đầu tháng 7, giá xăng trên thị trường thế giới lại tiếp tục tăng và vọt lên mức 46 USD/thùng, dầu DO lên 45 USD/thùng, xấp xỉ mức giá cao nhất trong 4 năm qua.
Như vậy, dù thuế suất nhập khẩu bằng 0%, dầu DO nhập về bán vẫn lỗ 700 đồng/lít, còn xăng A92 lãi được 500 đồng/lít. Tuy nhiên, mức lãi này chưa đủ để các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối lạc quan.
Theo Saigon Petro, mức tiêu thụ xăng tại các doanh nghiệp đầu mối chỉ chiếm 30%, trong khi dầu DO lên đến 70% nên phần lãi không đủ bù lỗ. 6 tháng qua, Saigon Petro lỗ hơn 170 tỉ đồng, Petrolimex lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 5, mức bù lỗ cho tiêu thụ xăng dầu trong nước đã lên đến 2.050 tỉ đồng.
Thứ trưởng Thương mại Phan Thế Ruệ cho biết sắp tới nếu giá xăng trên thị trường thế giới tiếp tục biến động, Bộ Thương mại sẽ cho phép doanh nghiệp áp dụng cơ chế cộng thêm trên giá bán với biên độ 10% đối với xăng, 5% đối với dầu, vì Nhà nước không có khả năng bù lỗ mãi.
Bộ cũng đang nghiên cứu phương án đổi dầu thô lấy xăng dầu trong trường hợp xấu nhất là giá nhiên liệu tăng cao và nguồn cung ứng gặp khó khăn.
Mặt khác, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng, dầu qua biên giới, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, sắp tới Bộ Thương mại sẽ triển khai một loạt biện pháp mạnh như chấn chỉnh lại hệ thống đại lý, không cấp tiếp giấy phép mở cây xăng vùng biên, tăng cường kiểm soát và ban hành các quy định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm.
Theo VNECONOMY