Mấy tuần qua, trên thị trường thế giới giá phôi thép tăng vọt. Trong khi đó, trên thị trường nội địa việc quản lý và phân phối thép theo kiểu mạnh ai nấy làm, dẫn đến giá thép lại biến động...
Giá thép xây dựng trên thị trường lên xuống thất thường. |
Sau 2 tháng hạ “nhiệt”, đến nay giá thép lại “sốt” cao, nhưng Nhà nước thiếu hàng dự trữ nên không thể can thiệp
Mấy tuần qua, trên thị trường thế giới giá phôi thép tăng vọt. Trong khi đó, trên thị trường nội địa việc quản lý và phân phối thép theo kiểu mạnh ai nấy làm, dẫn đến giá thép lại biến động.
Một tháng giá phôi tăng 31%
Ông Trần Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thép miền Nam, cho biết chiều 19-7, các hãng sản xuất thép nước ngoài chào phôi (thép thỏi dùng để cán thép xây dựng) với giá 420 USD/tấn, tăng 31% so với trước đó hơn một tháng. Những “đại gia” sản xuất phôi thép của Ukraine, Nga, Trung Quốc... găm hàng và chào bán giá cao, gây “nhức đầu” cho những nước lệ thuộc phôi trên thị trường thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu 2,547 triệu tấn phôi và thép thành phẩm, tổng trị giá đạt 1,11 tỉ USD. Trong đó riêng phôi là 1,033 triệu tấn, trị giá 409 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,2% về lượng và tăng 52,1% về giá trị. Với số lượng như vậy đã bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Doanh nghiệp vi phạm cam kết
Cách đây hơn 3 tháng, vì giá thép trên thế giới tăng cao nên Chính phủ đã bỏ thuế nhập khẩu phôi và thép thành phẩm. Đến giữa tháng 6, khi thấy thị trường “hạ nhiệt” Chính phủ quyết định đánh thuế nhập khẩu trở lại đối với những mặt hàng này để bảo hộ sản xuất trong nước. Đồng thời, Hiệp hội Thép và Tổng Công ty Thép cũng cam kết trước ngày 15-7 sẽ không tăng giá bán. Nhưng khi văn bản ký chưa “ráo mực” thì nhiều doanh nghiệp (DN) thép ở miền Bắc đã tăng giá bán rất cao. Công ty Thép miền Nam cũng tăng giá nhẹ tăng từ 100 – 200 đồng/kg, riêng Công ty VinaKyoei vẫn giữ giá như cũ.
Nhiều cửa hàng bán lẻ trên thị trường tăng mức dự trữ và đẩy giá lên cao hơn nhiều so với mức tăng của các công ty, làm cho giá thép càng thêm “nóng”. Tại một số cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình - TP.Hồ Chí Minh, giá thép cuộn phi 8 bán lẻ 7.770 đồng/kg, thép phi 6 giá 7.900 đồng/kg, còn thép cây phi 14 giá 105.100 đồng/cây 11,7 m (đã có thuế VAT), so với trước tăng khoảng 300 đồng/kg. Vì Chính phủ không có nguồn hàng dự trữ để bán can thiệp và chưa có biện pháp điều tiết siêu lợi nhuận để đánh vào những DN làm giá, nên thị trường thép càng biến động thất thường.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện nay khâu yếu nhất của ngành thép là chưa chủ động sản xuất được nguồn phôi và chưa xây dựng được hệ thống phân phối hiệu quả. Các nhà sản xuất chưa khống chế được mạng lưới phân phối hàng tới người tiêu dùng. Bộ Công nghiệp đã trình Chính phủ quy chế điều hành thị trường thép xây dựng, trong đó có đề án thành lập quỹ dự trữ phôi thép quốc gia nhằm khắc phục những tình trạng bất ổn của thị trường thép trong nước.
Theo Người Lao Động