Hiện trong giới trẻ đang hình thành một xu hướng xài thẻ ATM. Theo đó, dịch vụ ngân hàng lưu động đạt mức tăng trưởng “đáng nể”, từ chưa tới 20 nghìn thẻ phát hành năm 2002 đã vọt lên...
Hiện trong giới trẻ đang hình thành một xu hướng xài thẻ ATM. Theo đó, dịch vụ ngân hàng lưu động đạt mức tăng trưởng “đáng nể”, từ chưa tới 20 nghìn thẻ phát hành năm 2002 đã vọt lên hơn 160 nghìn thẻ năm 2003 và 300 nghìn thẻ tính đến tháng 6-2004.
Khi các ngân hàng đồng loạt vào cuộc
Giữa tháng 7-2004, thị trường thẻ tín dụng nội địa đã có thêm sự góp mặt của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Với hệ thống lắp đặt mới 10 máy ATM và gần 1.000 điểm nhận thanh toán thẻ Eximbank Card, Ngân hàng Eximbank đang vào cuộc chạy đua mới cùng với các ngân hàng bạn. Song phải công nhận đó là một cuộc chạy đua không cân sức. Đại gia trong lĩnh vực thẻ ATM hiện nay phải kể đến Ngân hàng Vietcombank (VCB) với hệ thống 290 máy ATM phủ khắp cả nước, lượng khách hàng sử dụng thẻ ATM của VCB chiếm đến 83% tổng thị trường (250.000 thẻ trong tổng số 300.000 thẻ đã phát hành).
Một đại gia khác cũng đang nổi lên trong lĩnh vực thẻ là Ngân hàng Đông Á. Với hệ thống 43 máy ATM và hơn 20.000 thẻ Đông Á Card đã phát hành, Đông Á hiện xếp thứ 2 trong các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng nội địa. Đông Á cũng đang tung ra thị trường dịch vụ mới cho phép khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản thẻ qua máy ATM, thay vì phải đến ngân hàng nộp tiền như các loại thẻ khác!
Nếu như trước năm 2003, các ngân hàng lớn chỉ “mặn mà” với thị trường thẻ thanh toán quốc tế, thì hiện nay cuộc cạnh tranh sôi động đang hướng vào thẻ ATM nội địa, nhất là khi giới trẻ đang có xu hướng thích thanh toán và rút tiền bằng thẻ tín dụng. Xu hướng này xuất phát từ nhu cầu thích tiếp cận các phương tiện hiện đại, và rất thuận tiện cho sinh viên, nhân viên đi học hoặc đi công tác xa.
Nhờ cạnh tranh, đã có gần 400 máy ATM có mặt trong khắp các siêu thị, trường đại học, sân bay, và cũng nhờ cạnh tranh, chưa ngân hàng nào dám tính chuyện thu phí thanh toán. Tại các siêu thị lớn, nhân viên của VCB đặt bàn tiếp thị khách xài thẻ như tiếp thị hàng hóa. Đông Á và ACB “thi nhau” mở các quầy giao dịch trong các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Chỉ cần điền vào các tờ khai, nộp bản sao giấy tờ và đóng phí phát hành thẻ, khách hàng có thể làm thẻ ngay tại các siêu thị mà không cần phải chạy gõ cửa ngân hàng gần nhất. ACB còn tung ra khuyến mãi “trúng thưởng khi làm thẻ với ACB”.
Trong khi đó, VCB hướng vào các DN sử dụng dịch vụ chi trả lương bằng thẻ ATM, tiếp thị xài thẻ trong sinh viên bằng việc giảm 50% lệ phí phát hành thẻ (còn 50.000đồng) cho sinh viên và DN có hơn 500 công nhân hoặc giảm 30% cho DN có dưới 500 công nhân, không thu phí thường niên…
Tại Sacombank, khách chỉ cần mở tài khoản tiết kiệm là được cấp thẻ ATM, đặc biệt khách còn được chi nhiều hơn số tiền có trong thẻ và thời gian hoàn lại phần vượt chi lên đến 45 ngày không phải trả lãi. Các ngân hàng cũng đang nỗ lực mở rộng điểm (shop, nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch, siêu thị…) chấp nhận thanh toán thẻ. Thẻ của Đông Á, ACB có thể thanh toán tiền điện thoại, điện, nước, taxi, bảo hiểm, truyền hình cáp…
Bao giờ có máy ATM dùng cho mọi loại thẻ?
Anh Hà Xuân Cảnh - Công ty TNHH Saigon Precision cho biết, công ty anh có hơn 1.000 công nhân, nên từ ngày áp dụng chi trả lương qua thẻ, đã giảm đáng kể chi phí, thời gian, chưa kể trước đây phải dùng đến sáu nhân viên cho việc thanh toán lương hằng tháng. Đi công tác xa, du lịch cũng không lo ngại vì không phải mang theo lượng tiền mặt lớn.
Tuy nhiên bất tiện lớn nhất hiện nay là còn quá ít điểm mua bán nhận thanh toán thẻ, người dùng thẻ buộc phải rút tiền mặt từ máy để thanh toán, trong khi đó cả 5 khu chế xuất, KCN chỉ có 19 máy ATM, thẻ của ngân hàng nào chỉ được rút ở máy ATM của ngân hàng đó, nên vào những ngày cao điểm lĩnh lương công nhân phải… xếp hàng rút tiền!
Cũng vì chầu chực lâu, nên đã dẫn đến tình trạng cả nhóm công nhân nhờ vài người đại diện rút tiền, vậy là lộ mật mã, mất tiền! Đó là chưa kể mạng lưới mua bán hàng, đặt tour, đặt vé qua mạng đang phát triển mạnh, nhưng rất ít thẻ ATM có thể thanh toán qua mạng như thẻ thanh toán quốc tế!
Nhiều nơi cũng đang rục rịch tính chuyện thu phí chuyển ngân, phí thanh toán, thì làm sao có thể khuyến khích đại bộ phận người lao động dùng thẻ?
Có một tin vui cho người dùng thẻ, theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM Trần Ngọc Minh, là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao cho một ngân hàng lớn làm phần mềm chuyển mạch, phấn đấu đến năm 2005 các chủ thẻ có thể rút tiền ở bất kỳ chiếc máy ATM nào.
Các thủ tục pháp lý cũng đang tiến hành để sớm đưa Internet Banking (ngân hàng trên mạng) vào hoạt động, mở rộng dịch vụ thanh toán qua mạng, qua thẻ ATM vì nhu cầu thanh toán thời hội nhập: nhanh, gọn, 24/24 giờ, đang rất cấp bách.
Do vậy, sẽ hình thành các mối liên kết: VCB sẽ liên kết với 11 ngân hàng thương mại cổ phần; Đông Á cũng tính bắt tay với nhóm các ngân hàng khác…, để giải quyết trở ngại từ những chiếc máy ATM. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cổ phần lại tỏ ra thiếu lạc quan trước tiến trình này. Nếu không có sự “ra tay” của Nhà nước bằng những chính sách hỗ trợ, con đường chuyển mạch để hợp nhất thẻ tín dụng sẽ lâu hơn dự tính.
Một công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy với gần 400 chiếc máy ATM, lượng thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ tín dụng lên đến 300 tỷ đồng trên cả nước. Chỉ riêng dịch vụ gửi tiền qua thẻ mới tung ra, Đông Á thu 1,7 tỷ đồng/tháng tiền nhàn rỗi trong dân. Vậy thì tại sao các cơ quan quản lý còn chần chờ để mặc các ngân hàng tự thân giải quyết?
Theo một dự báo từ Ngân hàng Nhà nước, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng sẽ tăng từ 9 - 10 nghìn giao dịch/ngày hiện nay lên 20 - 25 ngàn giao dịch/ngày trong vòng ba đến bốn năm tới, với số tiền 10 - 15 nghìn tỷ đồng/ngày (gấp đôi hiện nay). Số máy ATM lắp đặt trên toàn quốc sẽ tăng từ 400 hiện nay lên khoảng 1.500 - 2.000 chiếc, số thẻ thanh toán lên đến 13 - 15 triệu thẻ với số tiền khoảng 21 - 25 nghìn tỷ đồng.
Theo Sài Gòn giải phóng