Ngành du lịch dự định sẽ đưa ra một chiến dịch mới quảng bá hình ảnh Việt Nam như một đất nước có nhiều dịch vụ y tế và vệ sinh thực phẩm đảm bảo...
"Giá tour của chúng ta đúng là có cao nhưng là cao ở giá vé máy bay." |
Ngành du lịch dự định sẽ đưa ra một chiến dịch mới quảng bá hình ảnh Việt Nam như một đất nước có nhiều dịch vụ y tế và vệ sinh thực phẩm đảm bảo. Tổng Cục phó Tổng cục Du lịch Phạm Từ mới đây đã cho biết như vậy.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Từ cho rằng con số 14% du khách quay lại Việt Nam mà một số phương tiện thông tin nêu ra là chưa chính xác. “Tuy nhiên, phải thừa nhận do đặc trưng loại hình du lịch của chúng ta là du lịch khám phá chứ không phải du lịch nghỉ dưỡng hay hội thảo nên lượng khách quay lại ít là tất yếu”, ông nói. “Tâm lý khách du lịch là điểm đến xa thì chỉ đến một lần. Chúng ta làm du lịch theo kiểu gieo hạt, hi vọng 2,4 triệu khách năm ngoái đến sẽ quảng bá cho 2,4 triệu khách mới của năm nay, thêm một số quay lại nữa.”
Chúng ta đã khá thụ động trong tuyên truyền trong và sau SARS năm ngoái, vậy trước nguy cơ bùng phát cúm gia cầm trong khu vực, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch chủ động tuyên truyền quảng bá trong điều kiện khu vực có dịch hay chưa? Nhất là trong điều kiện cuối năm, mùa du lịch cao điểm?
Đúng là không phải chúng ta mà chính các hãng lữ hành nước ngoài đã dùng trước khẩu hiệu “Việt Nam - điểm đến an toàn” khi kéo khách vào Việt Nam sau sự kiện 11-9. Chúng ta đã không nhạy bén lắm trong việc quảng bá các thế mạnh của mình.
Đến nay thì khách quốc tế đã biết Việt Nam là một nước an toàn, ổn định về chính trị nhưng lại ấn tượng về sự mất vệ sinh, y tế không bảo đảm.
Khách và các công ty lữ hành tiếp tục kêu ca về giá cả. Giá ở Việt Nam đắt hơn ít nhất 30% so với khu vực, và trong đó giá khách sạn cao là một nguyên nhân đáng kể. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Giá khách sạn ở Việt Nam thật ra không đắt hơn Singapore hay Indonesia nhưng đắt hơn Thái Lan, lý do: khách sạn Thái hầu hết xây đã lâu, hết khấu hao, bây giờ cứ có khách là có lãi nên họ chấp nhận khách vào bằng mọi giá.
Hơn nữa, họ có chủ trương và sự trợ giúp của chính phủ: kéo khách vào bằng bất cứ giá nào, họ không thu trực tiếp từ đầu khách mà cả nền kinh tế quốc gia có lợi vì xuất khẩu được tại chỗ do khách tiêu pha, mua sắm, sử dụng dịch vụ.
Theo tôi, giá tour của chúng ta đúng là có cao nhưng là cao ở giá vé máy bay. Mà giá vé máy bay cao lại do máy bay của ta phải đi thuê. Sắp tới, các ngành liên quan sẽ phải ngồi lại với nhau để bàn về giá cả, tất nhiên là những cái gì cao vô lý thì phải hạ. Nhưng Tổng cục Du lịch cho rằng điều quan trọng hơn là phải nâng chất lượng dịch vụ chứ không phải giảm giá bằng mọi cách rồi cắt xén tour của khách.
Ông Paul Stoll, chủ tịch Hiệp hội Các khách sạn lớn ở Việt Nam, có cái lý của ông ta: không phải bỗng dưng mà Furama của ông ta luôn chật kín khách. Giá không hề giảm, chỉ có dịch vụ ngày càng hoàn thiện hơn. Đó cũng là quan điểm của du lịch Việt Nam để hướng đến mục tiêu 3,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2005 và 6 triệu vào năm 2010.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 6 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 1.392.461 lượt người, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Các thị trường tăng cao nhất là Hàn Quốc với 95.735 lượt khách, tăng 89,8%; Đài Loan với 123.458 lượt, tăng 52,6%; Úc với 60.161 lượt, tăng 44,6%; Canada với 27.302 lượt, tăng 36,9%.
Theo Tuổi Trẻ