Ngày 7-7-2004, Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty IBC ASIA đã phối hợp tổ chức Hội nghị Mobile Vietnam 2004...
Người tiêu dùng luôn chờ đợi giá cước ĐTDĐ thấp hơn nữa. |
Ngày 7-7-2004, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty IBC ASIA đã phối hợp tổ chức Hội nghị Mobile Vietnam 2004. Hội nghị có sự tham gia của tất cả các công ty viễn thông Việt Nam và nhiều tập đoàn viễn thông trên thế giới.
2010: Mục tiêu 21 triệu thuê bao và thế hệ 3G
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Đỗ Trung Tá cho biết: "Hiện nay tổng số thuê bao di động (GSM, CDMA và iPASS) chiếm khoảng 40% tổng số máy điện thoại (3,4 triệu thuê bao di động). Mục tiêu đặt ra là đến năm 2010, lượng thuê bao di động 2,5G sẽ đạt 20 triệu người và thuê bao di động 3G sẽ đạt 1 triệu người".
Ông Tá cũng nhận định, thị trường thông tin di động hiện nay vẫn là thị trường có lợi nhuận tương đối cao và chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách phát triển thêm nhiều thuê bao và hạ giá cước".
Ông Phạm Long Trận, Tổng Giám đốc VNPT nhận định: "Với hơn 80 triệu dân, thị trường thông tin di động của Việt Nam còn những tiềm năng rất lớn để khai thác". Ông Nguyễn Minh Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin di động Viettel nói: "Lâu nay người ta cứ quen nghĩ là điện thoại di động là một thứ xa xỉ nhưng với sự góp mặt của nhiều nhà cung cấp, giá cả sẽ giảm xuống và số thuê bao sẽ phát triển rất nhanh".
Các công ty viễn thông mới dự kiến gì ?
Ông Nguyễn Minh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin di động Viettel nhận xét: "Kinh doanh điện thoại di động tại Việt Nam vẫn chưa phải quá khó khăn so với các nước khác".
Ông Phương cũng cho biết, sắp tới khi mạng di động của Viettel đi vào hoạt động, giá cước của Viettel chắc chắn sẽ thấp hơn so với các mạng hiện nay. Ông Phương cũng nêu ra ví dụ ở Trung Quốc, mạng di động mới ra đời cước thường thấp hơn ít nhất 10% so với các mạng trước nhưng thực tế mức này còn cao hơn do quy định ở từng gói cước và các đợt khuyến mại lớn lúc mới khai trương. Bên cạnh đó, Viettel cũng sẽ triển khai xong việc phủ sóng trên toàn quốc ngay khi khai trương hoạt động.
Ông Trịnh Đình Khương, Tổng giám đốc Saigon Postel thì cho biết: "Nếu VNPT áp dụng cách tính cước một vùng, S-Fone sẽ lập tức tính toán lại giá cước để giữ được lợi thế cạnh tranh". Ông Khương cũng cho biết.
S-Fone sẽ nhập thêm về Việt Nam từ 3-5 loại máy CDMA mới trong những tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ông Khương cũng cho biết, S-Fone mới triển khai việc tặng các máy CDMA bình dân cho các khách hàng và chưa có ý định tặng các máy cao cấp cho các khách hàng sử dụng mạng CDMA của S-Fone.
Thúc đẩy cạnh tranh nhiều hơn
Nhận định về cạnh tranh trên thị trường di động trong năm tới, một chuyên gia viễn thông Việt Nam tham dự hội nghị nhận xét: "Sẽ vẫn là một cỗ xe độc mã của VNPT với Vinaphone và Mobile tiếp tục thống trị. Các công ty khác còn quá nhỏ và không hề có sức cạnh tranh. Cho đến nay về thực chất vẫn là độc quyền tuyệt đối của VNPT trong lĩnh vực thông tin di động".
Một chuyên gia về viễn thông nước ngoài tham dự hội thảo đề nghị không nêu tên nói: "Nếu thị trường viễn thông vẫn được bảo hộ quá kỹ như hiện nay thì còn lâu thị trường thông tin di động mới có sự bùng nổ thật sự. Đối với Việt Nam, việc thúc đẩy mạnh hơn nữa cạnh tranh, đặc biệt là việc cổ phần hóa các công ty viễn thông sẽ là một động lực lớn cho việc phát triển của thị trường".
Trao đổi bên lề hội nghị với chuyên gia này, một lãnh đạo cấp cao nhất của VNPT cũng bày tỏ sự đồng tình về định hướng cổ phần hóa Vinaphone. Tuy nhiên, ông này nói: "Chủ trương của Chính phủ đã có nhưng thực hiện thì cần phải có thời gian".
Theo Thanh Niên