Năm 2003, được sự hỗ trợ của Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và khuyến lâm (KN-KL) tỉnh Khánh Hòa tiến hành triển khai mô hình...
Gia đình anh Trần Văn Thuộc, thôn Xuân Lạc 1, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang nuôi thí điểm lợn thâm canh. |
Năm 2003, được sự hỗ trợ của Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và khuyến lâm (KN-KL) tỉnh Khánh Hòa tiến hành triển khai mô hình nuôi heo thâm canh ở các huyện. Mục tiêu của chương trình là giúp nông dân tận dụng các nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có tại địa phương kết hợp với quy trình chăn nuôi theo hướng đầu tư thâm canh để tăng hiệu quả kinh tế; giúp nông dân biết cách ước đoán trọng lượng khi nuôi và bán heo, hạch toán kinh tế và ước đoán hiệu quả đồng vốn khi đưa vào sử dụng. Mô hình được thực hiện trong 3 năm (2003 - 2005). Theo quy trình, heo sẽ được nuôi trong 4 tháng, trọng lượng bình quân 93kg/con. Nguồn thức ăn tinh cho heo là bột sắn, cám gạo, hỗn hợp vitamin và có thể cho thêm một ít rau xanh, tất cả trộn đều theo công thức của từng giai đoạn phát triển của heo. Đối với thức ăn xanh, ngoài rau, bà con nông dân còn có thể sử dụng thân chuối… Đây là những nguyên liệu dễ tìm, dễ chế biến và rẻ tiền, thời gian nuôi ngắn nên giảm chi phí đầu vào, đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi.
Để tuyên truyền, vận động và phát triển mô hình, Trung tâm KN-KL đã cung cấp các tài liệu kỹ thuật, sổ sách ghi chép cho những nông dân tham gia, nông dân chủ chốt, khuyến nông viên theo nhu cầu của dự án... Theo thống kê, năm 2003 tuy là năm đầu tiên thực hiện mô hình nhưng kết quả đạt được đều vượt so với dự kiến. Trọng lượng heo giống đưa vào trình diễn bình quân 17,98kg/con, giống Yorkishire, lai F1 hoặc ngoại thuần. Công thức thức ăn từng huyện có khác nhau song đều đáp ứng yêu cầu theo giống heo F1 hay ngoại thuần. Theo tính toán của dự án, đơn giá giống bình quân 395.000đ/con. Tổng chi phí thức ăn tinh bình quân 595.000đ. Tổng thu 1 con từ bán thịt 1.282.000 đồng. Tổng chi tiền giống, thức ăn, thuốc thú y là: 1.022.000 đồng/con, lợi nhuận 1 con là 260.000 đồng. Tuy nhiên, số liệu tổng kết ở các huyện cho thấy heo loại F1 tăng trọng chậm hơn heo ngoại thuần, tiêu tốn thức ăn cao hơn và lợi nhuận thấp hơn.
Qua triển khai dự án, một bộ phận cán bộ khuyến nông và nông dân được tiếp thu và tận mắt thấy phương pháp chăn nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi truyền thống. Đặc biệt là phương pháp cho ăn sống, giảm sức lao động, một gia đình có thể nuôi được số lượng heo nhiều hơn. Một trong những đơn vị thực hiện tốt mô hình này là huyện Khánh Sơn, địa phương có tới 75% dân số là người dân tộc Raglai, vốn quen với tập quán thức ăn đun sôi, nấu chín nên mất nhiều thời gian và thức ăn mất nhiều vitamin, trung bình một người chỉ nuôi từ 15 - 20 con/ngày. Từ khi thực hiện dự án (được Nhà nước hỗ trợ 75% thức ăn tinh), người dân đã biết kỹ thuật nuôi heo theo phương pháp công nghiệp, một người có thể chăm sóc từ 30 - 100 con/ngày. Từ việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng này, đời sống nhiều hộ gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa dần được cải thiện. Điều quan trọng hơn là mô hình đã giúp bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán chăn nuôi dựa vào thức ăn đun sôi, nấu chín. Ngoài ra, mô hình còn góp phần giải quyết việc làm, tạọ thu nhập cho người nông dân. Đến nay tổng đàn heo của huyện Khánh Sơn là 4.000 con.
Từ những kết quả đạt được, năm 2004 chương trình nuôi heo thâm canh tiếp tục phát triển ở các huyện, thành phố trong tỉnh, thời gian triển khai là 4 tháng. Ông Hoàng Văn Bắc - chuyên trách khuyến nông của huyện Khánh Sơn cho biết: Con giống được chọn đưa vào nuôi yêu cầu phải là heo lai F1 tỷ lệ 50% móng ngoại hoặc heo lai F2 tỷ lệ 3/4 móng ngoại, giống Yorkishire, không mắc bệnh, có trọng lượng là 17,89kg/con. Để mô hình đem lại hiệu quả bền vững cho người chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật phải hướng dẫn người dân cách mua, trộn thức ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng của heo, đồng thời giúp người dân lập kế hoạch và tự hạch toán kinh tế.
NGUYỄN VÂN